Một hành trình bắt đầu từ không gian nghệ thuật
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào Khoa Kiến trúc không phải là giảng đường, bảng phấn, mà là mô hình các công trình trưng bày dọc hành lang, những bức ký họa đầy cảm xúc, là âm thanh sôi nổi của những buổi phản biện trong studio. Đây không chỉ là nơi đào tạo, mà là một “xưởng sáng tạo” đúng nghĩa, nơi mỗi sinh viên được khơi gợi cảm hứng, nuôi dưỡng tư duy thiết kế và được thử sức trong không gian nghệ thuật sống động, rộng mở - điều mà ít có cơ sở đào tạo nào có thể đem lại tương tự.
Mô hình lớp học Studio - Khác biệt làm nên bản sắc
Khác với mô hình đào tạo lý thuyết truyền thống, Khoa Kiến trúc theo đuổi phương pháp studio-based learning - một hình thức đào tạo tiên tiến được các tổ chức giáo dục kiến trúc hàng đầu thế giới như UIA, NAAB hay RIBA công nhận.
Tại đây, sinh viên không ngồi thụ động nghe giảng mà được học thông qua làm việc trực tiếp trên đồ án thiết kế, thảo luận phản biện với giảng viên và bạn học, trải nghiệm quy trình học tập liên tục lặp lại giữa thử nghiệm, phản hồi, chỉnh sửa. Từng “xưởng học đồ án” là một “vũ trụ sáng tạo” thu nhỏ, nơi sinh viên có thể thiết kế nhà ở, công trình công cộng, đô thị sinh thái, phục dựng di sản văn hóa... dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các KTS giàu kinh nghiệm.
“Điều quan trọng nhất với sinh viên kiến trúc không chỉ là vẽ đẹp hay giỏi phần mềm, mà là phương pháp tư duy và khả năng kiểm soát không gian, khả năng truyền đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ kiến trúc và bản lĩnh nghề nghiệp. Mô hình studio chính là nơi rèn luyện điều đó từ sớm,” - TS.KTS. Nguyễn Trần Liêm, Phó Trưởng khoa Kiến trúc, chia sẻ.
Không gian sáng tạo - Không chỉ để học, mà để sống cùng thiết kế
Những lớp học của Khoa Kiến trúc không đơn thuần là phòng ốc, đó là một không gian làm việc đậm chất nghệ thuật, rộng mở và tràn đầy kiến thức. Ở đó, ánh sáng tự nhiên, chất liệu, mô hình, bảng phác họa, bản in khổ lớn… cùng hiện diện, khiến mỗi góc phòng đều là nơi có thể bắt đầu một ý tưởng.
Điểm nổi bật là hệ thống xưởng mô hình - mô phỏng kiến trúc 3D, phòng máy được trang bị phần mềm thiết kế tiên tiến như AutoCAD, SketchUp, Revit, BIM, Rhino…, và đặc biệt là kho tư liệu, thư viện chuyên ngành với các ấn phẩm trong nước quốc tế đa dạng và có giá trị. Sinh viên không chỉ học trong nước, mà còn tiếp cận chuẩn mực đào tạo toàn cầu ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Cùng với đó là các hoạt động khảo sát / nghiên cứu thực địa, workshop, nơi sinh viên được mở rộng tầm mắt, cọ xát thực tế và rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp. Từ làng cổ Đồng Văn đến không gian ven đô Hà Nội, từ những di sản kiến trúc trong khu phố cổ chật hẹp đến môi trường kiến trúc sinh thái ngoại ô…, mọi chủ đề đều có thể phát triển thành ý tưởng đồ án nếu người học phát hiện được những vấn đề, những câu chuyện hấp dẫn đằng sau những trải nghiệm thực tế.
Giáo dục kiến trúc - Không chỉ để biết, mà để “thấy”
Chuyển từ tư duy phổ thông sang một ngành học kết hợp giữa mỹ thuật, kỹ thuật, xã hội học và nhân văn không phải là điều dễ dàng. Nhưng chính nhờ môi trường giáo dục mở, sinh viên dần hình thành khả năng quan sát sâu sắc, không chỉ nhìn thấy một công trình, mà thấy được văn hóa, lịch sử và cảm xúc ẩn sâu sau từng chi tiết.
Đội ngũ giảng viên của khoa phần lớn là những kiến trúc sư đang hành nghề hoặc từng làm chủ nhiệm các dự án thực tế, giữ vai trò như người “đồng hành sáng tạo”. Họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn thách thức sinh viên bằng những câu hỏi phản biện, khuyến khích mỗi cá nhân phát triển tiếng nói thiết kế riêng biệt.
Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đạt giải nhất tại AA AWARDS 2024 - Giải thưởng thành tựu kiến trúc năm 2024
Vươn tầm quốc tế bằng năng lực và bản sắc
Môi trường học tập đặc biệt ấy đã góp phần hun đúc nên thế hệ sinh viên mạnh dạn đưa ý tưởng của mình ra khỏi trường học, tiến tới các cuộc thi quốc tế, diễn đàn chuyên ngành và giành được những giải thưởng danh giá.
Trong những năm gần đây, sinh viên Khoa Kiến trúc đã liên tục tỏa sáng tại: Giải thưởng Loa Thành; AYDA (Nhà thiết kế trẻ Châu Á; ArchiprixSEA; UIA Student Competition, FuturArc Prize...
Nhiều đồ án lấy cảm hứng từ những vấn đề nóng bỏng tại Việt Nam như: cải tạo nhà tập thể cũ, phục dựng làng nghề, thiết kế kiến trúc chống biến đổi khí hậu, kiến trúc vì cộng đồng... đã khiến hội đồng quốc tế ấn tượng bởi tính nhân văn, bản địa và khả năng ứng dụng thực tiễn.
Đặng Lê Như Ngọc 19K4 - Đại diện nhóm SV nhận Giải bạc cuộc thi ArcAsia 2023
Đằng sau mỗi giải thưởng là cả một quá trình công phu: từ khảo sát thực địa, nghiên cứu dữ liệu, xây dựng ý tưởng, mô hình mô phỏng, cho đến kỹ năng thuyết trình, phản biện đa ngôn ngữ. Đây là bằng chứng cho thấy mô hình đào tạo của Khoa không chỉ hướng đến kiến thức, mà còn phát triển toàn diện năng lực nghề nghiệp hiện đại.
Kiến trúc - Nghề của niềm tin và sự bền bỉ
Kiến trúc không chỉ là một nghề, mà là hành trình dài của sự kiên trì và đam mê. Để hoàn thiện một đồ án và xa hơn là hiện thực hóa những công trình ngoài đời thực, sinh viên kiến trúc cần nhiều hơn kiến thức và kỹ năng, họ cần bản lĩnh, lòng yêu nghề, niềm tin vào khả năng sáng tạo của chính mình, và khát vọng kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội.
Không phải ai học kiến trúc cũng sẽ trở thành “ngôi sao”, nhưng mỗi sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đều mang trong mình tâm thế của một người kiến tạo, giàu cảm quan thẩm mỹ, có trách nhiệm xã hội và tinh thần đổi mới. Đó chính là thành quả quý giá nhất của một môi trường giáo dục nghiêm túc, khai phóng - nơi những giấc mơ thiết kế được nuôi dưỡng, vươn mình khỏi trang giấy để góp phần làm đẹp và làm giàu cho cuộc sống con người.
Trịnh Thu