Ưu tiên phát triển giáo dục vùng khó khăn, hướng tới công bằng, bình đẳng trong giáo dục

Phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, xã đảo và khu vực dân tộc thiểu số từ lâu đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong hành trình xây dựng một nền giáo dục công bằng. Nâng cao chất lượng trường lớp, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh nơi đây không chỉ mở ra cơ hội vươn lên cho từng cá nhân, mà còn góp phần vào sự phát triển hài hòa và bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa

Mở rộng chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đầu tư

Phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, xã đảo, đặc biệt là các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là biểu hiện của công bằng xã hội, mà còn là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Trong hơn một thập kỷ qua, với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, giáo dục vùng khó đã có những bước tiến mạnh mẽ, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, củng cố niềm tin của người dân với chính sách giáo dục.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP để thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc. Theo đó, Nghị định 66 đã mở rộng đối tượng hỗ trợ, bổ sung thêm các nhóm học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ, áp dụng cho trẻ em nhà trẻ, học sinh bán trú, học viên bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn, ở tập trung hoặc thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú cũng được hưởng chính sách. 

Tăng cường cơ sở vật chất, quy mô trường học cho các xã đảo, vùng sâu, vùng xa là một trong 10 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương trong công điện hỏa tốc số 110/CĐ-TTg ngày 17/7/2025 về tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính. Đây là chỉ đạo kịp thời trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính mới hình thành hoặc sáp nhập để không làm gián đoạn việc học của học sinh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Dự án đầu tư trường bán trú tại các xã, phường, đặc khu biên giới trong tháng 7/2025 (sử dụng nguồn vốn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2024 và tiết kiệm chi thường xuyên 7 tháng năm 2025) và Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026-2030; trong đó tập trung đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, quy mô trường, lớp học ở các cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Xây dựng các trường nội trú, bán trú cho học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2026-2030."

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động rà soát các văn bản pháp lý để mở rộng đối tượng học sinh nội trú, bán trú, không phân biệt người Kinh hay dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận giáo dục; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Các giải pháp trên nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em được rèn luyện trong môi trường ổn định và an toàn.

Một số chuyển biến rõ nét trong thực tiễn

Thực hiện công bằng trong trong cơ hội tiếp cận giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục. Những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho người dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn. Các chính sách này áp dụng cho các bậc giáo dục từ mầm non, giáo dục phổ thông, đến dự bị đại học, đại học, dạy nghề.

Cụ thể, ngành Giáo dục đã thực hiện việc miễn, giảm học phí, cấp học bổng và các chính sách hỗ trợ khác nhằm tạo điều kiện cho đại bộ phận con em các gia đình nghèo, diện chính sách được học tập, trước hết ở các cấp học phổ cập giáo dục. Về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục các cấp học từ mầm non tới tiểu học, trung học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số được duy trì, phát triển và được tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chế độ chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý, người học và cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được hoàn thiện và triển khai có hiệu quả góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học, nâng cao chất lượng dạy và học vùng dân tộc thiểu số. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường và bảo đảm chất lượng. Phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển khá tốt ở nhiều địa phương...

Như vậy, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó là một phần cốt lõi, quyết định sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành giáo dục. Các chính sách hiện hành đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong việc thực hiện công bằng giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết như chênh lệch vùng miền, thiếu giáo viên chuyên biệt, hạn chế về công nghệ và kỹ năng số. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa từ trung ương đến địa phương; các bộ, ngành liên quan; huy động nguồn lực nhà nước và toàn xã hội để triển khai chính sách hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn, thúc đẩy chiến lược giáo dục toàn diện và bền vững.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Ưu tiên phát triển giáo dục vùng khó khăn, hướng tới công bằng, bình đẳng trong giáo dục tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn