Hội đồng trường - thiết chế cốt lõi cho đổi mới quản trị đại học

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) tiếp tục khẳng định Hội đồng trường là thiết chế trung tâm trong tiến trình cải cách quản trị đại học. Tuy nhiên, để Hội đồng trường thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của tự chủ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cần có những thay đổi căn cơ về nhận thức, thiết kế quyền hạn và cơ chế vận hành.

Hội đồng trường - trung tâm đổi mới quản trị đại học

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, giáo dục đại học ở Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tự chủ. Tự chủ không chỉ là quyền, mà cần một cơ chế quản trị độc lập để thực hiện quyền đó. Hội đồng trường chính là thiết chế cốt lõi cho sứ mệnh ấy. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đang nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia xoay quanh vai trò, quyền hạn và cấu trúc của Hội đồng trường.  Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Dự thảo lần này đã tách biệt rõ vai trò giữa hiệu trưởng và Hội đồng trường, đồng thời quy định việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường do cấp quản lý trực tiếp quyết định - nhằm tránh chồng lấn quyền lực điều hành và quyền lực chiến lược.

Ảnh minh họa

Tham gia góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học, một số ý kiến lo ngại về tính hình thức của Hội đồng trường. Không ít nơi, Hội đồng trường tồn tại nhưng không có thực quyền. Một số thành viên Hội đồng không nắm đủ thông tin, không tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, và chỉ được triệu tập để biểu quyết những nội dung đã được quyết định từ trước. Thực trạng này khiến Hội đồng trường chưa nâng cao hiệu quả quản trị như kỳ vọng.

Gỡ vướng từ mô hình 2 cấp: Đại học quốc gia và đại học thành viên

Cũng liên quan đến vai trò của Hội đồng trường, tại tọa đàm lấy ý kiến các trường phía Nam về Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi ngày 01/7/2025, đại diện Bộ GDĐT cho biết khi tổng kết tình hình thực hiện Luật giáo dục đại học, mô hình hội đồng trường hai cấp ở đại học quốc gia, vùng là một trong nhiều vướng mắc, bất cập. Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Quốc hội đã đề nghị Bộ GDĐT xem xét, sửa đổi luật về sự tồn tại song song của hội đồng trường đại học thành viên và hội đồng đại học quốc gia. Trước đó, trong một phiên thảo luận hôm 15/5, khi bàn về mô hình này, đại diện ban soạn thảo luật cho hay đang cân nhắc 3 phương án: giữ nguyên hoặc giảm vai trò của một trong hai hội đồng trường.

Mục đích ban đầu của việc thành lập Hội đồng trường là tạo ra một thiết chế có quyền lực thực sự - nghĩa là những người trong Hội đồng trường phải được ủy quyền quyết định các vấn đề lớn mà trước đây do cơ quan cấp cao, cơ quan chủ quản quyết định, ví dụ như mở ngành, phân bổ ngân sách, bổ nhiệm, nhân sự… Vậy câu hỏi đặt ra, Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam có “thực quyền” này hay chưa? Hiện nay, đa số các thành viên hội đồng trường, kể cả đại diện các cơ quan chủ quản chưa thực hiện quyền quyết định mà đang mang tính chất “nhận thông tin”. Vì thế, hội đồng trường ở một số trường đại học đang mang tính hình thức, thiếu thực quyền. Trong điều kiện Bộ chủ quản không thể “vươn tay” đến từng cơ sở giáo dục, thì chính Hội đồng trường cần là thiết chế được ủy quyền thực chất, có tiếng nói trong chính sách học phí, tổ chức bộ máy, nhân sự thay vì chỉ giữ vai trò cố vấn. Hội đồng trường không chỉ là nơi thể hiện dân chủ nội bộ, mà phải là cánh tay nối dài của quản lý nhà nước.

Khi tham chiếu thực tiễn quốc tế, có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển thành công mô hình đại học tự chủ với Hội đồng trường có thực quyền. Ở đó, thành viên Hội đồng trường bao gồm những người được lựa chọn kỹ lưỡng, là tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà quản trị doanh nghiệp… Họ là người được ủy quyền thực sự trong các quyết định chiến lược. Ví dụ điển hình là hệ thống Đại học California ở Mỹ, gồm khoảng 10 trường đại học thành viên với quyền tự chủ tương đối nhưng vẫn chịu sự quản lý chung bởi Hội đồng nhiệm kỳ (Board of Regents) có thẩm quyền quyết định ngân sách, chính sách, bổ nhiệm hiệu trưởng… Mô hình này giúp tối ưu hóa nguồn lực, tránh sự trùng lặp, đồng thời nâng cao chất lượng bằng cách điều phối, phân bổ nguồn lực đúng chỗ và phát triển các thế mạnh riêng biệt của từng trường thành viên.

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) là cơ hội quan trọng để luật hoá vai trò của Hội đồng trường như một thiết chế trung tâm trong đổi mới quản trị đại học. Tuy nhiên, muốn thiết chế này phát huy hiệu quả thực chất, không chỉ cần quy định rõ về cơ cấu, quyền hạn, nhiệm vụ, mà còn phải thiết lập được cơ chế giám sát lẫn nhau, tuyển chọn thành viên đủ năng lực, bảo đảm nguồn lực hoạt động và phân định rạch ròi giữa chiến lược và điều hành. Đổi mới quản trị đại học không thể chỉ là sự thay đổi trên văn bản, mà phải là một cuộc cải cách tư duy và mô hình vận hành từ trong cấu trúc cốt lõi của mỗi trường đại học.

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025). Khơi thông nguồn lực, tạo không gian phát triển biền vững cho giáo dục đại học https://moet.gov.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=10857

Hà Giang

 

 

Bạn đang đọc bài viết Hội đồng trường - thiết chế cốt lõi cho đổi mới quản trị đại học tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn