Phổ điểm phản ánh chất lượng thật
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang có những chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng đổi mới toàn diện. Lần đầu tiên, đề thi được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực, không còn nặng kiểm tra trí nhớ mà hướng đến khơi mở tư duy, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn - dấu hiệu cho thấy kỳ thì đang tiệm cận với chuẩn đánh giá hiện đại. Các chuyên gia đánh giá phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phân hóa tốt, đề thi được cải tiến, học sinh thích ứng nhanh và các địa phương có sự tiến bộ rõ rệt. Kỳ thi không chỉ đánh giá năng lực của học sinh, phục vụ tuyển sinh, mà còn là căn cứ quan trọng để điều chỉnh chiến lược giáo dục quốc gia.
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm nay, cả nước có hơn 15.300 bài thi đạt điểm 10 ở tất cả các môn, trong đó môn Địa lý chiếm gần một nửa. Con số này cao hơn năm ngoái khoảng 4.400 bài. Cụ thể, môn Địa lý dẫn đầu với hơn 6.900 bài thi đạt điểm tuyệt đối, sau đó là môn Vật lý 3.929 bài, Lịch sử 1.518 bài và Giáo dục kinh tế và pháp luật 1.451 bài. Môn Toán gây bất ngờ nhất khi có 513 điểm 10 trong khi năm 2024 không có điểm 10. Môn Tiếng Anh cũng có 141 điểm 10. Riêng môn Ngữ văn không ghi nhận điểm 10 nào. Điểm trung bình môn Ngữ văn của hơn 1 triệu thí sinh là 7 điểm.
Nền tảng cho tuyển sinh đại học và hoạch định chính sách
Tại Hội nghị thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng kỳ thi năm nay đạt nhiều điểm tích cực, từ đề thi đến phổ điểm, qua đó tạo nền tảng tốt cho công tác tuyển sinh đại học và phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Ví dụ, môn Toán có khả năng phân loại cao, đặc biệt phù hợp với định hướng giáo dục STEM và tuyển sinh khối kỹ thuật. Với môn Ngữ văn, dù từng xuất hiện một số tranh luận về định hướng ra đề, nhưng kết quả cho thấy điểm trung bình vẫn ở mức cao, chứng tỏ học sinh thích ứng tốt với yêu cầu về tư duy bài luận. Môn Vật lý giữ mức ổn định cả về phổ điểm lẫn số lượng dự thi.
Phổ điểm cũng phản ánh chuyển động tích cực từ các địa phương, đặc biệt là vùng khó khăn. Một số tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên năm nay có số lượng điểm khá, giỏi tăng đáng kể. Điều này cho thấy nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, cải thiện điều kiện học tập đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Về công tác xét tuyển đại học, Bộ GDĐT đã có hướng dẫn quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Đây là một bước tiến quan trọng, nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh và giúp các trường đại học yên tâm hơn khi tuyển sinh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định. Kết quả kỳ thi năm nay đủ độ tin cậy để các trường yên tâm tuyển sinh. Lần đầu tiên quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Dù phổ điểm là công cụ phản ánh trực tiếp chất lượng thi, nhưng Bộ GDĐT cũng lưu ý cần dần bỏ tư duy đánh giá học sinh chỉ dựa vào điểm số. Điểm cao không phải là thước đo duy nhất của chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh đổi mới, cần tiến tới đánh giá toàn diện quá trình học tập, năng lực mềm, kỹ năng tư duy, phẩm chất và thái độ học sinh - như tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, tăng tỷ trọng câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, bảo đảm tính phân loại nhưng vẫn vừa sức, tránh tâm lý chạy theo luyện đề và học tủ. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng giáo viên về kỹ thuật đánh giá mới, hướng dẫn học sinh học tập chủ động thay vì chỉ ôn luyện thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là bước chuyển mình rõ rệt của ngành giáo dục trong cải cách thi cử và đánh giá năng lực học sinh. Với phổ điểm có sự phân hóa hợp lý, phản ánh đúng năng lực thực chất và tránh được tình trạng “mưa điểm 10” hoặc lệch phổ không kiểm soát, kỳ thi đã thực sự trở thành công cụ tin cậy trong xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học và hoạch định chính sách giáo dục.
Kết quả năm nay cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc của ngành giáo dục, sự đồng hành của giáo viên và nhà trường, sự chủ động thích ứng của học sinh, đặc biệt là hiệu quả bước đầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là tiền đề quan trọng để tiếp tục hoàn thiện các kỳ thi tiếp theo, tiến tới xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện, hiện đại, công bằng và nhân văn hơn cho thế hệ công dân học tập trong thời đại chuyển đổi số.
Hà Giang