Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dạy học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong các trường phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nghiên cứu hoàn thiện theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và nâng cao chất lượng triển khai. Chủ trương mới hướng đến việc phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời góp phần giảm tải áp lực, tăng tính linh hoạt và hiệu quả tổ chức giáo dục phổ thông.

Hướng đến chủ trương phát triển toàn diện học sinh

Từ năm 2010, Bộ GDĐT đã có Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày với trung học cơ sở và trung học phổ thông theo hướng triển khai nơi nào có điều kiện thì khuyến khích. Đến nay, cấp tiểu học đã cơ bản dạy học 2 buổi/ngày với tỷ lệ gần như tuyệt đối, đây cũng là yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã tăng đáng kể trong vòng 5-10 năm qua.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bối cảnh giáo dục đã thay đổi mạnh mẽ. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với triết lý lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường phát triển phẩm chất và năng lực, đòi hỏi một cấu trúc thời gian linh hoạt và phong phú hơn. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học hai buổi/ngày theo hướng bao trùm cả ba cấp học, đồng thời đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng và mang tính khả thi cao.

Mục tiêu được xác định là nâng cao chất lượng thực hiện chương trình, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, bổ ích; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện để học sinh được giáo dục toàn diện về Đức – Trí – Thể – Mĩ. Buổi học thứ hai sẽ không đơn thuần là sự kéo dài của buổi học chính khóa mà sẽ tập trung vào các nội dung như phụ đạo, trải nghiệm sáng tạo, giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật, năng lực số, ngoại ngữ, thậm chí cả trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục trật tự an toàn giao thông.

Cụ thể, với cấp tiểu học, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết kéo dài 35 phút. Tuần học tối thiểu 9 buổi (bao gồm cả buổi chiều), tương đương ít nhất 32 tiết/tuần. Dự thảo cũng đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu để triển khai, như cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên/lớp…

Với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, thời lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có thể lên đến 11 buổi/tuần. Ngoài việc tiếp tục chương trình chính khóa vào buổi thứ nhất, các buổi còn lại được thiết kế tùy theo đặc điểm từng trường. Đặc biệt, cấp trung học cơ sở có thêm các nội dung phục vụ định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị thi tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoạt động cộng đồng… Tất cả được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, minh bạch, có sự đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Một điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo là các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học buổi 2, sắp xếp thời khóa biểu giữa buổi 1 và buổi 2 phù hợp với các điều kiện của nhà trường, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo mục đích và yêu cầu cần đạt. Điều này phù hợp với thực tiễn nhiều trường phải dạy theo ca luân phiên.

Cơ hội và thách thức trong triển khai

Dạy học 2 buổi/ngày từ lâu đã được nhiều địa phương xem là giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là hướng đi cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, giảm áp lực thi cử, tạo điều kiện để học sinh học tập, vui chơi, rèn luyện trong môi trường nhà trường. Với nhiều phụ huynh, đặc biệt ở khu vực thành thị, mô hình này giúp phụ huynh yên tâm hơn khi con được học tập và sinh hoạt tại trường cả ngày, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận các chương trình học ngoại ngữ, thể thao, công nghệ.

Tuy nhiên, để mô hình dạy học 2 buổi/ngày thực hiện phát huy được hiệu quả, cần nhìn nhận một số thách thức còn tồn tại. Trước hết về cơ sở vật chất. Dù nhiều địa phương tích cực đầu tư, nhưng không ít nơi - đặc biệt là vùng sâu vùng xa, trường học vẫn chưa đủ phòng học, thiết bị, sân chơi, thư viên, nhà ăn… Tình trạng quá tải buộc nhiều trường vẫn phải dạy hai ca sáng - chiều.

Tổ chức dạy 2 buổi/ngày cũng yêu cầu số lượng và chất lượng giáo viên đảm bảo. Mặc khác, các hoạt động bổ trợ như STEM, trải nghiệm, nghệ thuật, thể thao… cần đến nguồn lực về con người. Về vấn đề này, Chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về dạy học 2 buổi/ngày có nhấn mạnh, các địa phương cần huy động nhân lực có chuyên môn cao như nghệ sĩ, vận động viên... tham gia giảng dạy về văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

Dự thảo về dạy học 2 buổi/ngày thể hiện bước cải cách trong giáo dục phổ thông, thể hiện tư duy mới trong tổ chức chương trình giáo dục: coi trọng phát triển năng lực, kỹ năng, trải nghiệm, thay vì chỉ tập trung truyền đạt kiến thức. Dạy học 2 buổi/ngày là một mô hình giáo dục tiến bộ, nhưng để không rơi vào hình thức, cần có cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư, miễn học phí buổi học thứ 2, tuyển dụng và hỗ trợ giáo viên, đồng thời có hệ thống giám sát mạnh mẽ.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dạy học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn