Đưa nghiên cứu cơ bản về trường đại học
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua ngày 27/6 đóng vai trò quan trọng trong chính sách khoa học của Việt Nam. Một trong những điểm mới của Luật là chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của Nhà nước. Việc chuyển dịch cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất cả quốc gia đều coi cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản và tập trung nhiều nhân lực, gồm cả nhân lực trẻ, giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh…
Luật cũng thúc đẩy các trường đại học phát triển mô hình ba chức năng: Đào tạo - Nghiên cứu - Đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến. Mô hình này tạo ra hệ sinh thái học thuật bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng. Quan điểm này một lần nữa khẳng định định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và phát triển tri thức.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc dịch chuyển này cần lộ trình và chính sách cụ thể để tránh những hệ lụy không mong muốn và bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái khoa học, công nghệ quốc gia. Hiện nay, một số trường đại học chưa đáp ứng về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu. Số lượng công bố quốc tế, nghiên cứu cơ bản cấp quốc gia còn hạn chế. Việc dịch chuyển này không có nghĩa loại bỏ vai trò của Viện nghiên cứu trong nghiên cứu cơ bản. Các Viện nghiên cứu đang là nơi quy tụ đội ngũ tinh hoa nhất trong nghiên cứu cơ bản. Nếu xem nhẹ vai trò của các viện này hoặc cắt giảm đầu tư đột ngột có thể làm gián đoạn các nghiên cứu dài hạn, làm mất tính liên tục và nền tảng của khoa học nước nhà.
Cần cơ chế và tầm nhìn dài hạn để phát triển nghiên cứu cơ bản trong trường đại học
Nhiều chuyên gia về giáo dục đại học cho rằng việc định vị trường đại học thành trung tâm nghiên cứu khoa học là đúng đắn, song muốn thực hiện hiệu quả cần cải cách cơ chế và xây dựng tầm nhìn dài hạn. Bản chất của nghiên cứu là công việc mang tính cá nhân cao, cần sự đam mê, kiên trì và môi trường học thuật tự do, không thể áp đặt bằng mệnh lệnh và chỉ tiêu. Rất nhiều vấn đề quan trọng như: sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu vaccine; nghiên cứu các vấn đề tâm lý xã hội… đều cần thời gian nhiều năm để nghiên cứu. Có những công trình nghiên cứu kéo dài 5-10 năm mới ra kết quả, thậm chí có lúc thất bại. Nhưng đó mới là những nghiên cứu thực chất. Họ là những người đang cặm cụi nghiên cứu bền bỉ, là những nhóm nghiên cứu chấp nhận đi con đường dài, trăn trở với các bài toán lớn mà xã hội đang cần.
Để thực hiện tốt vai trò nghiên cứu khoa học được đề cập trong Nghị quyết 57, các chuyên gia cho rằng, cần phân tách nhiệm vụ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nhiệm vụ tạo ra công nghệ mới, sáng chế công nghệ không nên đặt chủ yếu vào các trường đại học, bởi điều kiện và chức năng của các trường khó phù hợp để thực hiện việc đó một cách hiệu quả. Thay vào đó, nên để các viện nghiên cứu đảm nhận phần phát triển công nghệ, còn các trường đại học cần tập trung mạnh vào nghiên cứu cơ bản như: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, xã hội học… Đây là nền tảng để đào tạo sinh viên, nuôi dưỡng tư duy học thuật, phát hiện mới, phục vụ dài hạn cho cả hệ thống.
Ví dụ, một nhóm nghiên cứu vật lý lý thuyết có thể đặt tại trường đại học, trong khi nhóm phát triển công nghệ ứng dụng từ vật lý có thể đặt tại viện nghiên cứu. Nhà nước cần cơ chế đặt hàng cụ thể: ví dụ trong 5 năm tới sẽ phát triển mô hình, sản phẩm, công nghệ gì… Như vậy, đầu tư sẽ có mục tiêu rõ ràng, dài hạn. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng là đầu tư cho năng lực tư duy chiến lược, dài hạn của quốc gia. Dạy học gắn với nghiên cứu cơ bản cũng là cách nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Công nghệ có thể thay đổi rất nhanh, nhưng nền tảng học thuật phải bền vững. Việc phân tách này sẽ giúp hình thành một hệ sinh thái nghiên cứu lành mạnh và hiệu quả hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, so với viện nghiên cứu, trường đại học có lợi thế lớn hơn vì không chỉ phục vụ nghiên cứu mà còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, trường đại học có tiềm năng nghiên cứu, đào tạo liên ngành, có nhiều thuận lợi hơn về cơ chế khi hợp tác với các doanh nghiệp, hiểu nhu cầu thị trường, từ đó triển khai đào tạo phù hợp với thực tế. Trong khi đó, nhà nước giữ vai trò điều tiết và thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Khi được tạo môi trường pháp lý thuận lợi, có chinh sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi phù hợp, trường đại học sẽ phát huy tốt vai trò vừa là nơi đào tạo, vừa là nơi sản sinh, lưu trữ và chuyển giao tri thức. Đây là những vai trò mà các chủ thể khác khó có thể thay thế hoàn toàn.
Việc khẳng định vai trò trung tâm nghiên cứu của trường đại học trong Nghị quyết 57-TQ/TW là một bước đi quan trọng. Tuy nhiên, để chủ trương đi vào thực tiễn, cần có các bước cụ thể hóa chính sách. Trong đó, việc thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo hành lang pháp lý để tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, làm chủ và sáng tạo công nghệ.
Hà Giang