Ảnh minh họa (Nguồn: Thành ủy Hồ Chí Minh)
Không thể phủ nhận vai trò của điện thoại thông minh trong đời sống học đường ngày nay. Với một chiếc smartphone, học sinh có thể tra cứu bài học, học ngoại ngữ, lập kế hoạch học tập, truy cập vào các kho học liệu phong phú. Một số trường học tích hợp công nghệ vào giảng dạy, cho phép học sinh sử dụng điện thoại để làm bài kiểm tra, trả lời câu hỏi nhanh hoặc tham gia vào các dự án nhóm.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không ít hệ lụy từ việc sử dụng điện thoại trong lớp học. Học sinh có thể lạm dụng điện thoại để chơi game, sử dụng mạng xã hội hoặc truy cập vào những nội dung không phù hợp. Thậm chí, điện thoại còn trở thành công cụ cho hành vi bắt nạt học đường, phát tán hình ảnh không đúng mực trên mạng xã hội. Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.
Tại Việt Nam, việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại đã được Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020. Theo đó, “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Bộ cũng ban hành Công văn số 5512 ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục, các giáo viên khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Đến nay, nhiều trường trên cả nước đã thực hiện triệt để việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và cả giờ nghỉ. Phòng Học sinh, sinh viên được Sở GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh giao nghiên cứu phương án cấm không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong hoạt động giáo dục tại trường, kể cả trong giờ ra chơi (trừ một số trường hợp). Điều này đang nhận được nhiều ý kiến góp ý của phụ huynh và học sinh.
Trước đó, năm học 2024-2025 vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội cũng có văn bản về việc quản lý, sử dụng điện thoại trong nhà trường. Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị trưởng phòng GDĐT, các hiệu trưởng và cơ sở giáo dục thực quy định sử dụng điện thoại di động mà Bộ GDĐT đã ban hành ngày 15/9/2020. Cụ thể, tùy điều kiện thực tế, ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp. Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được sự đồng ý của giáo viên, học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.
Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Để thực hiện được quy định này, theo Sở GDĐT Hà Nội, cần gia đình và phụ huynh học sinh đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị ghi âm, ghi hình khác ở trường học.
Câu chuyện cấm dùng điện thoại trong trường học không phải là vấn đề mới. Chính sách này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn cho học sinh. Mục tiêu chính của chính sách này là giảm thiểu sự phân tâm, giúp học sinh tập trung vào việc học và tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn học.
Cấm hay không cấm điện thoại trong trường học thực chất là một bài toán về quản trị giáo dục. Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng điện thoại là không thể tránh khỏi, thậm chí là tất yếu trong xu hướng học tập hiện đại. Tuy nhiên, không phải lúc nào học sinh cũng đủ năng lực tự điều tiết hành vi, đặc biệt khi môi trường học đường có nhiều cám dỗ từ thế giới ảo. Trong môi trường giáo dục hiện đại, việc xây dựng một nhà trường an toàn, tích cực và không bị chi phối bởi thiết bị công nghệ là điều cần thiết. Trong tương lai, giải pháp hiệu quả cần thực hiện là hướng dẫn học sinh các sử dụng công nghệ có trách nhiệm và đúng mục đích, giúp học sinh tự điều tiết hành vi khi sử dụng thiết bị.
Hà Giang