Chính sách điều động nhà giáo theo Luật Nhà giáo: Đảm bảo linh hoạt nhân sự, phục vụ tốt hơn cho chất lượng giáo dục

Việc sắp xếp, điều động nhà giáo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tổ chức nhân sự ngành giáo dục. Tại Điều 17, Luật Nhà giáo, số 73/2025/QH15 vừa được Quốc hội thông qua đã đặt ra những quy định cụ thể, chặt chẽ và nhân văn hơn nhằm đảm bảo việc điều động nhà giáo thực hiện đúng nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn tôn trọng quyền lợi, hoàn cảnh cá nhân của giáo viên.

 

Ảnh minh họa (nguồn ITN)

4 trường hợp được điều động nhà giáo

Thực tế cho thấy, công tác điều động nhà giáo là yêu cầu khách quan để đáp ứng tình hình nhân sự trong hệ thống giáo dục. Việc thừa, thiếu giáo viên giữa các địa phương, giữa các cấp học hay do quá trình sáp nhập, chia tách cơ sở giáo dục thường xuyên diễn ra.

Tại Khoản 1, Điều 17 Luật Nhà giáo 2025 đã chỉ rõ 4 trường hợp điều động cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bố trí nhà giáo do sắp xếp lại cơ sở giáo dục hoặc giải quyết tình trạng thừa, thiếu nhà giáo. Đây là trường hợp phổ biến hiện nay, nhất là ở các địa phương có tình trạng mất cân đối nhân lực giữa miền xuôi và miền núi, giữa cấp học mầm non và phổ thông.

Thứ hai, điều động khi giải quyết chính sách đối với nhà giáo sau khi kết thúc thời gian được điều động đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc bố trí sắp xếp công việc phù hợp này đảm bảo quyền lợi và sự an tâm cho nhà giáo sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

Thứ ba, điều động nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục, quản lý của cơ sở giáo dục ở những nơi còn yếu, kém;

Thứ tư, điều động nhà giáo theo yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan quản lý. Ví dụ như biệt phái giáo viên, tăng cường giảng viên cho các chương trình đổi mới…

Những quy định này cho thấy sự linh hoạt của hệ thống pháp luật giáo dục, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của nhà giáo trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Nguyên tắc điều động phải bảo đảm khách quan và phù hợp năng lực

Việc điều động nhà giáo nếu không thực hiện đúng quy trình sẽ gây nên tâm lý bất ổn, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Vì vậy, khoản 2 Điều 17 quy định rõ: Nhà giáo được điều động phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm sẽ đảm nhận. Điều này nhằm đảm bảo việc điều động không chỉ là “chắp vá nhân sự” mà còn thực sự hiệu quả, đúng người, đúng việc; Nguyên tắc tiếp theo, công tác điều động nhà giáo phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng cảm tính, thiên vị hay lạm quyền trong điều động cán bộ, giáo viên.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục Vũ Minh Đức chia sẻ với báo giới:Các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định đầy đủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành giáo dục bố trí, phân công đội ngũ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần giải quyết bài toán thừa thiếu cục bộ nhà giáo các cấp học, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ”.

Những trường hợp được miễn điều động: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên

Bên cạnh những điều khoản quy định về việc điều động, luân chuyển nhà giáo thì Luật cũng quy định những trường hợp được miễn điều động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà giáo. Bởi không ít trường hợp giáo viên bị điều động trong khi bản thân hoặc gia đình đang gặp khó khăn về sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân. Luật Nhà giáo mới đã thể hiện tính nhân văn cao khi quy định rõ các trường hợp không bị điều động. Tại Khoản 3, Điều 17 quy định chi tiết những trường hợp như sau sẽ được miễn điều động:

Trường hợp thứ nhất, nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhà giáo có vợ hoặc chồng đang được điều động, biệt phái hoặc cử làm nhiệm vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc điều động nhà giáo vẫn thực hiện đối với đối tượng quy định tại điểm này nếu nhà giáo có nguyện vọng được điều động. Như vậy, Luật cũng mở ra khả năng linh hoạt nếu giáo viên có nguyện vọng được điều động, thể hiện sự tôn trọng lựa chọn cá nhân và tạo điều kiện cho người sẵn sàng cống hiến.

Trường hợp thứ hai, Luật cũng quy định không điều động đối với nhà giáo thuộc trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm tránh tình trạng né tránh trách nhiệm.

Với những quy định chặt chẽ và linh hoạt mang tính nhân văn, Điều 17 Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15 là bước tiến lớn trong công tác điều động, bố trí nhà giáo. Quy định này đã khắc phục được nhiều hạn chế trước đây và thể hiện sự hài hòa giữa yêu cầu phát triển của ngành với quyền lợi cá nhân của nhà giáo. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, rất cần các địa phương, đơn vị quản lý giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đồng thời có cơ chế giám sát, phản hồi và hỗ trợ phù hợp. Khi đó, việc điều động nhà giáo mới thật sự trở thành công cụ hữu hiệu trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội trong ngành giáo dục nước nhà.

 

Trịnh Thu

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2025): Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15, ngày 16/6/2025 (Luat-nha-giao-so-73.pdf)

 

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19