Văn hóa, quyền lực và sự học hỏi trong nhà trường: Một nghiên cứu điển hình từ Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

Trong các môi trường giáo dục mang tính phân cấp như Trung Quốc hay Việt Nam, mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên chịu ảnh hưởng rõ nét từ yếu tố văn hóa. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng khoảng cách quyền lực có thể làm suy giảm tác động tích cực của lãnh đạo chuyên môn đến sự học hỏi của giáo viên. Những phát hiện này mang đến nhiều gợi ý thiết thực cho công tác phát triển đội ngũ trong bối cảnh chuyển đổi văn hóa.

Trong những thập niên gần đây, đổi mới giáo dục đã trở thành một xu hướng toàn cầu, không chỉ giới hạn trong các quốc gia phương Tây mà lan rộng đến nhiều nền giáo dục châu Á. Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho nỗ lực đổi mới hệ thống giáo dục trong bối cảnh giao thoa giữa giá trị truyền thống và yêu cầu hiện đại. Trong tiến trình này, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là vai trò của hiệu trưởng, đã chuyển dịch từ quản lí hành chính sang thúc đẩy phát triển chuyên môn của đội ngũ giáo viên.

Với mục tiêu tìm hiểu cách thức và điều kiện mà trong đó lãnh đạo chuyên môn của hiệu trưởng có thể thúc đẩy quá trình học tập nghề nghiệp của giáo viên trong bối cảnh văn hóa đặc thù, một nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện tại 64 trường tiểu học và trung học ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc. Nghiên cứu này đồng thời phân tích vai trò trung gian của yếu tố “niềm tin vào năng lực bản thân” (self-efficacy) và vai trò điều tiết của “khoảng cách quyền lực” trong mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng trong một xã hội có truyền thống tổ chức giáo dục theo mô hình phân cấp như Trung Quốc, khoảng cách quyền lực trong quan hệ giữa giáo viên và hiệu trưởng có thể làm suy giảm hiệu quả của các chiến lược lãnh đạo chuyên môn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra sự đa dạng trong cảm nhận của giáo viên về yếu tố văn hóa này, đặc biệt là sự khác biệt giữa các thế hệ, từ đó mở ra nhiều gợi ý quan trọng về cách thức thích ứng của lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh đang thay đổi.

Lớp học tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Image

Vai trò của lãnh đạo chuyên môn, niềm tin vào năng lực và yếu tố văn hóa

Kết quả phân tích định lượng từ mô hình cấu trúc tuyến tính cho thấy rằng lãnh đạo chuyên môn của hiệu trưởng có ảnh hưởng tích cực đến sự học tập nghề nghiệp của giáo viên, nhưng phần lớn tác động này là gián tiếp thông qua niềm tin vào năng lực chuyên môn của bản thân giáo viên. Nói cách khác, hiệu trưởng không chỉ hỗ trợ giáo viên bằng các hoạt động cụ thể mà còn tạo điều kiện để giáo viên cảm thấy tự tin, từ đó thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động học tập và chia sẻ chuyên môn.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này không đồng đều và phụ thuộc vào cảm nhận của giáo viên về khoảng cách quyền lực trong quan hệ với hiệu trưởng. Khi giáo viên cảm thấy mối quan hệ gần gũi, dân chủ và ít phân cấp, hiệu quả của lãnh đạo chuyên môn thể hiện rõ hơn. Ngược lại, trong những mối quan hệ mà giáo viên cảm nhận khoảng cách quyền lực cao, tác động tích cực của hiệu trưởng đến niềm tin và sự học hỏi của giáo viên bị hạn chế đáng kể.

Một phát hiện đáng chú ý là mức độ khoảng cách quyền lực được giáo viên cảm nhận trong nghiên cứu ở mức trung bình thấp (trung bình 2.53/5), thấp hơn dự đoán ban đầu dựa trên các mô hình văn hóa truyền thống. Điều này phần nào phản ánh sự thay đổi văn hóa đang diễn ra trong môi trường giáo dục Trung Quốc, với sự xuất hiện của thế hệ giáo viên trẻ có xu hướng cởi mở hơn, kỳ vọng được tham gia vào quá trình ra quyết định chuyên môn và mong muốn được đồng hành trong phát triển nghề nghiệp.

Gợi mở từ một nghiên cứu điển hình

Từ các kết quả nêu trên, có thể thấy rằng khoảng cách quyền lực không chỉ là một yếu tố văn hóa trừu tượng mà có ảnh hưởng cụ thể đến hiệu quả lãnh đạo và sự phát triển đội ngũ trong nhà trường. Nghiên cứu góp phần khẳng định rằng niềm tin vào năng lực chuyên môn của giáo viên là một mắt xích quan trọng trong việc thúc đẩy học tập nghề nghiệp, và hiệu trưởng – với vai trò lãnh đạo chuyên môn – có thể tác động tích cực đến yếu tố này nếu xây dựng được mối quan hệ hợp tác, bình đẳng và hỗ trợ với đội ngũ giáo viên. Một điểm đáng lưu ý là sự đa dạng trong cảm nhận văn hóa giữa các cá nhân trong cùng một hệ thống. Điều này đặt ra yêu cầu đối với người làm lãnh đạo giáo dục trong việc nhận diện, thích ứng và điều chỉnh phong cách lãnh đạo phù hợp với đặc điểm văn hóa và tâm lí của từng nhóm giáo viên, thay vì vận dụng một cách cứng nhắc các mô hình lãnh đạo phổ quát.

Mặt khác, nghiên cứu cũng mở ra hướng đi mới trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng. Các chương trình phát triển năng lực lãnh đạo cần chú trọng không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn cả kỹ năng giao tiếp, xây dựng niềm tin và phát triển quan hệ xã hội tích cực trong môi trường nhà trường. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển biến văn hóa nhanh chóng, việc giúp hiệu trưởng nhận diện sự thay đổi trong tâm lí và kỳ vọng của giáo viên sẽ là yếu tố then chốt để duy trì và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Hàm ý cho chính sách và thực tiễn tại Việt Nam

Mặc dù được thực hiện tại Trung Quốc, nghiên cứu của Liu và Hallinger mang lại nhiều gợi ý phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam - nơi mà yếu tố văn hóa Nho giáo, mối quan hệ cấp bậc trong trường học và kỳ vọng về vai trò người lãnh đạo vẫn còn đậm nét. Việc xây dựng một môi trường nhà trường dân chủ, khuyến khích đối thoại chuyên môn, thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân của giáo viên có thể là chìa khóa để nâng cao chất lượng đội ngũ trong dài hạn. Đồng thời, cần nhìn nhận rằng sự thay đổi văn hóa đang diễn ra theo hướng ngày càng cá nhân hóa và đa dạng hóa. Trong bối cảnh ấy, hiệu trưởng không thể chỉ giữ vai trò “quản lí cấp trên” mà cần trở thành người đồng hành học tập cùng giáo viên. Khả năng thích ứng linh hoạt với nhu cầu và tâm lí của từng nhóm giáo viên sẽ trở thành một trong những năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo giáo dục trong thời đại mới.

Bài học từ Trung Quốc cho thấy rằng khoảng cách quyền lực, nếu không được nhận diện và điều chỉnh có thể trở thành rào cản vô hình nhưng mạnh mẽ đối với sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên. Do đó, hướng đến một môi trường học tập chuyên nghiệp, hợp tác và cởi mở trong nhà trường không chỉ là mục tiêu của riêng giáo viên, mà còn là sứ mệnh của người lãnh đạo giáo dục trong thế kỉ XXI.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Shengnan, L., & Hallinger, P. (2020). Unpacking the effects of culture on school leadership and teacher learning in China. Educational Management Administration & Leadership49(2), 214-233.

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19