Đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số

Việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá và quản trị nhà trường đang mở ra những đột phá mạnh mẽ trong công tác giáo dục và đào tạo. Nhiều địa phương đã tiên phong triển khai các mô hình giáo dục thông minh tích hợp AI, đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số toàn diện ngành giáo dục, hướng đến mục tiêu cá nhân hóa việc học, nâng cao hiệu quả quản trị và đảm bảo công bằng trong tiếp cận tri thức.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhà trường

Trí tuệ nhân tạo đang dần đi sâu vào các hoạt động giáo dục tại Việt Nam thông qua những ứng dụng cụ thể như lớp học thông minh, hệ thống chấm điểm tự động, nền tảng phân tích dữ liệu học sinh, trợ lý học tập ảo hay công cụ hỗ trợ xây dựng bài giảng tương tác. AI đang mở ra lối tư duy mới trong cách tiếp cận tri thức, cá nhân hóa việc học và tối ưu quy định vận hành trường học. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, việc ứng dụng AI trong giáo dục giúp đảm bảo chất lượng, công bằng và hiệu quả.

Ảnh minh họa

Năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình giáo dục thông minh tại một số trường học. Dựa trên nghiên cứu các nền tảng giáo dục quốc tế, các chuyên gia đã xây dựng mô hình ứng dụng AI gắn với thiết bị số như bảng tương tác, máy tính bảng, thiết bị thực tế ảo và nội dung học tập 3D, nhằm thay đổi không gian, thời gian và phương pháp học tập. Việc dạy học không còn bó buộc trong lớp học truyền thống mà có thể diễn ra linh hoạt, thuận tiện và phù hợp với năng lực của từng học sinh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng xây dựng trường học thông minh đã được triển khai từ nhiều năm trước. Mục tiêu mà Sở GDĐT thành phố hướng tới là xây dựng hệ sinh thái học tập trực tuyến đa dạng, góp phần lan tỏa tri thức đến cộng đồng, hình thành xã hội học tập suốt đời. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tích hợp hệ thống học tập trực tuyến có AI hỗ trợ phân tích kết quả học tập của học sinh, từ đó gợi ý nội dung học phù hợp và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho giáo viên.

Ở nhiều địa phương, các hội thảo chuyên đề về AI trong dạy học và quản lý giáo dục cũng được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên nâng cao năng lực công nghệ, cập nhật xu hướng mới và từng bước làm chủ các công cụ hỗ trợ đổi mới phương pháp sư phạm.

Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

Để thúc đẩy việc ứng dụng AI một cách bài bản, bền vững và phù hợp với đặc thù giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục. Theo đó, Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ngoài ra, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên, với yêu cầu tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào đổi mới giáo dục.

Để thực hiện chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục, Bộ GDĐT đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo AI được triển khai bài bản, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam. Trước hết là hoàn thiện thể chế, thông qua việc ban hành khung hướng dẫn ứng dụng AI trong giáo dục, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục xây dựng quy chế, quy tắc ứng xử liên quan đến AI trong nhà trường. Song song với đó, Bộ sẽ xây dựng khung năng lực AI và bộ tiêu chí đánh giá năng lực AI cho người học, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số. Việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo cũng sẽ được triển khai theo lộ trình phù hợp ở cả bậc phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt, chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm sẽ được cập nhật để chuẩn bị cho thế hệ nhà giáo mới có đủ năng lực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Cuối cùng, Bộ GDĐT sẽ phát triển nền tảng dữ liệu mở cho phép AI hỗ trợ phân tích, dự báo và hoạch định chính sách giáo dục; đồng thời thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phát triển những ứng dụng AI phù hợp với điều kiện thực tiễn của hệ thống giáo dục Việt Nam.

AI đang mở ra nhiều cơ hội đổi mới cho giáo dục, song quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản. Về hạ tầng, nhiều cơ sở giáo dục - đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa vẫn thiếu thiết bị, đường truyền và điều kiện kỹ thuật. Về nhân lực, năng lực công nghệ của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, đòi hỏi có các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu. Đặc biệt, vấn đề đạo đức số, bảo mật dữ liệu cá nhân của học sinh và minh bạch trong thuật toán AI cần được đảm bảo chặt chẽ. Đồng thời, cần nhận thức rõ AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế vai trò con người trong giáo dục. Việc cá nhân hóa học tập cần đi kèm với định hướng khai phóng, nhân văn, và giữ gìn giá trị cốt lõi của giáo dục.

Để AI trở thành động lực thực sự trong công cuộc đổi mới giáo dục, cần sự chủ động của nhà trường, sự sáng tạo của giáo viên, sự đầu tư của nhà nước và sự chung tay của doanh nghiệp công nghệ. Việc từng bước hiện thực Chiến lược AI trong giáo dục không chỉ mang lại hiệu quả học tập cho người học mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục mở, linh hoạt, bình đẳng và sáng tạo, đáp ứng những thay đổi của thời đại số và hội nhập toàn cầu.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn