Ảnh minh họa
Yêu cầu từ thực tiễn
Trong nhiều năm, hoạt động kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông chỉ áp dụng đối với các kỳ đánh giá định kỳ cấp quốc gia do Việt nam chủ trì, chủ yếu diễn ra trên giấy, nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mà chưa điều chỉnh đối với các kỳ đánh giá quốc tế có sự tham gia của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia nhiều chương trình đánh giá quốc tế như PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15 của OECD); SEA-PLM (Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á); TALIS (Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học của OECD). Các chương trình này đều do Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) chủ trì, đồng thời hướng dẫn triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc tới các tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, sự chuyển hướng từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình học tập đã làm bộc lộ nhiều hạn chế của cách làm truyền thống. Đánh giá bằng máy tính - hay còn gọi là đánh giá điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số. Hình thức này không chỉ giúp chấm điểm tự động, phản hồi tức thời, mà còn mở rộng khả năng thiết kế các câu hỏi đa dạng, đánh giá kỹ năng phân tích, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, nó cho phép thu thập, phân tích dữ liệu quy mô lớn phục vụ hoạch định chính sách giáo dục.
Trên tinh thần đó, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định về đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông. Dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 51/2011/TT-BGDĐT ngày 03/11/2011 quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Mở rộng quy mô, đa dạng hình thức, đảm bảo minh bạch và khách quan
Dự thảo Thông tư ban hành quy định về đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều sự thay đổi, hướng tới phương thức kiểm tra đánh giá hiện đại, khách quan, công bằng và hiệu quả. Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo Thông tư mới đã mở rộng bao gồm cả “Đánh giá diện rộng quốc gia” và “Đánh giá diện rộng quốc tế”.
Về tổ chức, quản lý các kỳ đánh giá diện rộng, dự thảo mới đã quy định rõ việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, xác định cụ thể cơ cấu, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức thực hiện của Ban Điều hành, Ban Kĩ thuật cấp quốc gia, cũng như cơ cấu thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng khảo sát cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Về quy trình thực hiện, dự thảo mới đã điều chỉnh cả nội dung và hình thức đánh giá. Cụ thể, nội dung đánh giá là các yêu cầu cần đạt đối với những môn học tham gia đánh giá, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Về hình thức, đánh giá được đa dạng hóa, thực hiện khảo sát trên giấy, trên máy vi tính hoặc kết hợp cả hai hình thức. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ GDĐT có thể bổ sung các kỳ khảo sát, bên cạnh các kỳ khảo sát định kỳ cấp quốc gia và quốc tế.
Về nội dung đánh giá, dựa trên các yêu cầu cần đạt đối với các môn học tham gia đánh giá, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Dự thảo chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh trong giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập và cuộc sống. Ngoài ra, bổ sung việc đánh giá môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 9 và lớp 11.
Những thay đổi này để đảm bảo yêu cầu phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, khoa học, trung thực, khách quan và tuân thủ các cam kết trong đánh giá diện rộng quốc tế. Những người tham gia đánh giá diện rộng cấp quốc gia được cung cấp thông tin về chương trình đánh giá, được bảo mật thông tin tham gia, thông tin cá nhân.
Đổi mới đánh giá không chỉ thay đổi phương pháp kiểm tra, mà là cơ sở thay đổi cách dạy và cách học trong nhà trường phổ thông. Khi hoạt động đánh giá chú trọng đến năng lực giải quyết vấn đề, khả năng vận dụng kiến thức thay vì chỉ ghi nhớ, học sinh sẽ học sâu, hiểu kỹ và rèn luyện tư duy. Đồng thời, giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy để hướng tới phát triển năng lực cho học sinh, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức.
Hà Giang