Ảnh minh họa
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khép lại với nhiều điểm mới, là kỳ thi đầu tiên áp dụng hoàn toàn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù vẫn tổ chức theo hình thức thi trên giấy, nhưng kỳ thi năm nay đã có nhiều bước chuyển đáng kể về mặt kỹ thuật. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các khâu: đăng ký dự thi, xét tuyển, chấm thi.
Trên nền tảng đó, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đang chuẩn bị cho một giai đoạn đổi mới tiếp theo: Thí điểm tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính. Đây cũng là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua.
Bộ GDĐT thông tin, theo lộ trình, Bộ sẽ ban hành đề án thí điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính trong năm 2025. Việc tổ chức thi theo hình thức này dự kiến bắt đầu từ năm 2027 tại các địa phương có đủ điều kiện. Đây là bước đi có tính toán, nối tiếp chủ trương từng được đề cập trong các năm học trước, gắn với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa và chuyển đổi số ngành giáo dục.
Thực tế, việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính từng được Bộ GDĐT đề cập từ khoảng 5 năm trước, cùng với những dự đoán về tốc độ phát triển công nghệ ở Việt Nam. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ nói chung và ngành giáo dục nói riêng, chủ trương này đang đứng trước cơ hội chuyển thành hành động cụ thể.
Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề: tiết kiệm chi phí; giảm áp lực khâu tổ chức thi ở địa phương; tăng độ chính xác và minh bạch; đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của người học. Bên cạnh đó, thi trên máy còn tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học, khuyến khích học sinh làm quen với công nghệ thông minh, phát triển tư duy logic và kỹ năng ứng dụng thực tiễn. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết để kết nối với các hệ thống khảo thí quốc tế, từng bước hội nhập và nâng cao chất lượng kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy cần có sự cân nhắc và lộ trình triển khai cụ thể. Việc thi trên máy đòi hỏi các địa phương phải đồng bộ về hệ thống máy tính, đường truyền internet, điện lưới ổn định và đội ngũ nhân lực kỹ thuật. Trong thực tế, ngay trong cùng một tỉnh, sự chênh lệch giữa các vùng thành thị và nông thôn về điều kiện tổ chức thi vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, chênh lệch về mức độ tiếp cận và sử dụng công nghệ giữa học sinh ở các địa phương cũng là yếu tố cần được tính đến khi triển khai thi trên máy. Để bảo đảm một kỳ thi an toàn, công bằng và minh bạch, hệ thống phần mềm thi cần có độ bảo mật cao, khả năng giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu.
Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc triển khai và đánh giá chặt chẽ hệ thống thi trên máy, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng một nền tảng khảo thí số toàn quốc mang tính đồng bộ và linh hoạt. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức thi trực tuyến trong các kỳ thi quan trọng, từ đó rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong kiểm soát rủi ro và phát triển hệ thống thi phù hợp với thực tiễn.
Việc ban hành Đề án thí điểm thi trên máy tính là cơ sở để các địa phương chuẩn bị, nâng cấp hạ tầng, đào tạo cán bộ, giáo viên và tổ chức các kỳ thi thử nghiệm để học sinh làm quen với hình thức mới.
Việc chuyển sang thi tốt nghiệp THPT trên máy tính không chỉ là một thay đổi về công nghệ hay cách thức tổ chức thi cử, mà là một sự chuyển dịch toàn diện trong tư duy quản lý, trong cách dạy và học chương trình phổ thông. Quá trình này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, sự phối hợp đồng bộ và liên tục giữa các cấp, các ngành và địa phương. Đổi mới hình thức thi cũng đồng nghĩa với thúc đẩy thay đổi trong nội dung và phương pháp giáo dục, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất và khả năng thích ứng toàn cầu.
Hà Giang