Khẳng định vai trò trung tâm của nhà giáo
Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua tạo dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục. Luật này không chỉ tạo hành lang pháp lý mà còn cụ thể việc thực thi các chủ trương lớn như Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo quy định, Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Với 9 chương và 42 điều, luật định danh nghề giáo là một nghề đặc thù, hoạt động chuyên môn cao, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống giáo dục. Những nội dung mang tính đột phá như quyền hành nghề, điều kiện đảm bảo thực hành nghề nghiệp, cơ chế bảo vệ nhà giáo, nâng cao thu nhập, cũng như thang bậc lương ưu đãi… đều được luật hóa một cách cụ thể, minh bạch.
Trong đó, điểm mới được quan tâm là chính sách tiền lương, đãi ngộ với nhà giáo được quy định cụ thể bao gồm lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Luật Nhà giáo quy định nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù… được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường. Với nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập, tiền lương thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Quy định tại Luật Nhà giáo, Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách tiền lương với nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là cơ quan đầu mối chủ trì xây dựng nghị định, sau đó các bộ, ngành liên quan cho ý kiến và trình Chính phủ. Bộ GDĐT đã và đang trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Về tổng quan, bảng lương mới của giáo viên sẽ dựa trên thang bảng lương hành chính sự nghiệp chung làm cơ sở, sau đó sẽ tính toán những hệ số lương riêng đối với giáo viên (theo từng bậc), để đảm bảo lương nhà giáo được “xếp cao nhất”.
Gỡ nút thắt trong tuyển dụng và giữ chân giáo viên
Nhiều năm qua, việc đảm bảo lực lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn là bài toán khó của ngành giáo dục. Bộ GDĐT cho biết trong tổng số các giáo viên còn thiếu, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non, mặt khác số giáo viên bỏ, nghỉ việc nhiều nhất; khó tuyển dụng nhất dù có chỉ tiêu cũng là bậc này. Số lượng giáo viên mầm non lớn nhất nhưng cũng thiếu nhiều nhất, cường độ lao động, áp lực, vất vả nhất song lương và thu nhập lại thấp nhất. Do đó, đây cũng là đối tượng đang được quan tâm tăng cường các cơ chế chính sách nhất.
Ảnh minh họa
Việc Luật Nhà giáo quy định rõ ràng về thứ bậc lương giúp đảm bảo đời sống cho giáo viên, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm gắn bó và phát triển sự nghiệp. Bên cạnh chính sách về tiền lương, Luật Nhà giáo còn là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vai trò và trách nhiệm của nhà giáo. Luật quy định rõ nhà giáo có quyền hành nghề độc lập, quyền được bảo vệ danh dự, uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, luật cũng đặt ra yêu cầu cao về chuẩn mực đạo đức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm giáo dục đối với thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, để các nội dung trong Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống cần thời gian và nhiều chính sách kèm theo. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc nâng lương giáo viên đòi hỏi một chiến lược tài chính rõ ràng, lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn hệ thống hành chính sự nghiệp. Việc ban hành các văn bản dưới luật về xếp lương, đánh giáo giáo viên, bảo vệ danh dự nhà giáo… cần được triển khai kịp thời để tạo đồng bộ trong thực thi.
Hà Giang