Dạy và học ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh toàn cầu hóa: Nội dung chuyên biệt, chuyển giao tri thức và cấu trúc hệ sinh thái học thuật

Trong bối cảnh giáo dục toàn cầu hóa và số hóa nhanh chóng, giảng dạy ngôn ngữ thứ đang được tái cấu trúc với những định hướng chiến lược sâu rộng. Nhiều quốc gia đã triển khai các sáng kiến nghiên cứu nhằm nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả thực tiễn trong dạy và học ngôn ngữ thứ hai. Bài viết dưới đây tổng hợp những phát hiện học thuật tiêu biểu về bảng từ vựng chuyên biệt, khả năng chuyển giao tri thức ngôn ngữ và cấu trúc hệ sinh thái nghiên cứu giáo dục.

Một trong những xu hướng nổi bật của dạy học ngôn ngữ thứ hai (Second Language – L2) trong thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ dạy ngôn ngữ như một hệ thống khép kín sang phát triển năng lực ngôn ngữ thích ứng, gắn với thực tiễn và có khả năng chuyển giao linh hoạt trong nhiều bối cảnh. Sự chuyển dịch này thể hiện rõ ở ba trục chính: (1) phát triển bảng từ vựng chuyên biệt; (2) nghiên cứu khả năng chuyển giao học tập; (3) thiết lập hệ sinh thái nghiên cứu sư phạm ngôn ngữ mang tính bền vững và đa chiều.

Thứ nhất, xu hướng phát triển bảng từ chuyên biệt (specialized word lists) phản ánh nhu cầu ngày càng rõ rệt về sự cá nhân hóa trong học tập ngôn ngữ. Theo tổng quan hệ thống của Dang và Webb (2025), trong số 50 công trình công bố từ 2013-2023, có đến 66% danh sách từ vựng hướng đến lĩnh vực chuyên ngành như y học, kỹ thuật hàng không, thương mại quốc tế hay truyền thông kỹ thuật số. Trong khi trước đây, phần lớn các bảng từ tập trung vào mục tiêu giao tiếp chung (general service lists) hoặc học thuật liên ngành (academic word lists), thì gần đây, các nhà nghiên cứu đã ưu tiên xây dựng bảng từ vựng kỹ thuật (technical word lists) phục vụ mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, như danh sách từ cho điều dưỡng, quản trị khách sạn, hay công nghệ thông tin. Không chỉ mở rộng về nội dung, các bảng từ cũng được thiết kế theo hướng tiếp cận ngôn ngữ đa phương thức. Số liệu cho thấy, 58% danh sách tập trung vào ngữ liệu viết, 24% là kết hợp nói – viết, và 14% dựa hoàn toàn trên dữ liệu nói, trong khi một tỷ lệ nhỏ (4%) đã bắt đầu khai thác ngữ liệu từ môi trường kỹ thuật số như mạng xã hội, diễn đàn học tập, video học thuật. Điều này cho thấy nhận thức mới trong dạy học từ vựng, không còn dừng lại ở văn bản in mà mở rộng sang các dạng thức ngôn ngữ đa dạng trong môi trường sống thực tế của người học. Tuy nhiên, một điểm hạn chế lớn được chỉ ra là thiếu vắng các bảng từ phục vụ nhóm người học thuộc các bối cảnh bị thiểu đại diện, đặc biệt là những người học tại các nước đang phát triển hoặc ngoài hệ thống giáo dục đại học chính quy. Chẳng hạn, nhiều bảng từ chỉ mô tả đối tượng người học một cách mơ hồ, thiếu thông tin cụ thể về độ tuổi, bối cảnh sử dụng ngôn ngữ, nhu cầu học tập hoặc năng lực đầu vào. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về khả năng phổ quát và tính ứng dụng của các bảng từ hiện nay, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng hệ giáo dục. 

Thứ hai, cùng với nhu cầu về nội dung ngôn ngữ, năng lực chuyển giao tri thức (learning transfer) được xem là thước đo cốt lõi của hiệu quả giảng dạy L2. Theo định nghĩa của Perkins & Salomon (1994), chuyển giao xảy ra khi việc học ở một bối cảnh có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ở một bối cảnh khác – chẳng hạn như từ lớp học tiếng Anh sang môi trường làm việc, hoặc từ môn học này sang môn học khác. Tác giả Mark A. James (2024) đề xuất sáu hướng nghiên cứu cốt lõi để phát triển dạy học hướng đến chuyển giao, bao gồm: khoảng cách chuyển giao (transfer distance), động lực chuyển giao, khí hậu chuyển giao (transfer climate), và mức độ chuẩn bị của người học. Khung lý thuyết về khoảng cách chuyển giao được xác định qua sáu chiều: nội dung học – sử dụng (knowledge domain), không gian (physical context), thời gian (temporal context), chức năng (functional context), hình thức tương tác (social context) và hình thức ngôn ngữ (modality). Dựa trên lý thuyết này, có thể phân biệt hai loại chuyển giao: chuyển giao “tự động” (low-road transfer) xảy ra khi việc học và ứng dụng có sự tương đồng rõ nét, và chuyển giao “chủ đích” (high-road transfer) – yêu cầu người học tư duy trừu tượng, phân tích và tái cấu trúc kiến thức trong bối cảnh hoàn toàn mới. Đây là loại chuyển giao khó nhưng cần thiết, đặc biệt trong môi trường giáo dục hiện đại – nơi người học buộc phải ứng biến liên tục giữa các tình huống học thuật, nghề nghiệp và giao tiếp liên văn hóa. Các nghiên cứu tại Hoa Kì, Hàn Quốc và châu Âu cho thấy nhiều mô hình giảng dạy L2 hiệu quả đã lồng ghép các yếu tố như hoạt động mô phỏng, đánh giá động, giảng dạy theo nhiệm vụ hoặc tích hợp liên môn để tối ưu hóa khả năng chuyển giao chủ đích. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cảnh báo rằng nếu chương trình chỉ tập trung vào luyện kỹ năng trong một môi trường khép kín mà không có sự chuẩn bị cho bối cảnh ứng dụng thực tế, thì việc dạy ngôn ngữ sẽ mất đi ý nghĩa thiết thực.

Thứ ba, một yếu tố then chốt chi phối hiệu quả của cả hai hướng tiếp cận trên là môi trường học thuật và chính sách giáo dục – hay nói cách khác, là hệ sinh thái giảng dạy L2. Nhật Bản và Singapore là hai ví dụ điển hình cho mô hình này. Tại Nhật Bản, một tổng quan học thuật do Terasawa và Segawa (2025) thực hiện trên hơn 300 tài liệu đã chọn lọc được 40 công trình tiêu biểu, thể hiện sự phát triển của nghiên cứu L2 theo hướng liên ngành, xã hội học và chính sách. Sáu chủ đề trọng tâm bao gồm: dạy ngữ pháp, đánh giá ngôn ngữ, phát triển chuyên môn giáo viên, người học là cư dân nước ngoài, bản sắc ngôn ngữ và chính sách giáo dục ngôn ngữ. Sự đa dạng này phản ánh đặc trưng xã hội đơn ngữ nhưng đang ngày càng quốc tế hóa của Nhật Bản – nơi người học tiếng Nhật là cư dân nhập cư, còn người học tiếng Anh lại chủ yếu là công dân bản địa. Trong khi đó, Singapore nổi bật với việc gắn kết chính sách ngôn ngữ quốc gia với chương trình giảng dạy tiếng Anh ở mọi cấp học. Theo Jones et al. (2025), 159 bài báo đã được phân tích trong giai đoạn 2017–2023, với năm nhóm chủ đề chính: dạy kỹ năng ngôn ngữ, công nghệ và đa văn hóa, song ngữ – song phương ngữ, tiếng Anh học thuật và đào tạo giáo viên. Điều đáng chú ý là nhiều nghiên cứu không chỉ tập trung vào lớp học mà còn mở rộng sang thư viện, gia đình và cộng đồng, thể hiện quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm và đặt trong bối cảnh xã hội đa ngữ của Singapore.

Những xu hướng nghiên cứu và thực hành giảng dạy ngôn ngữ thứ hai trên thế giới – từ bảng từ chuyên biệt, lý thuyết chuyển giao tri thức cho đến thiết kế hệ sinh thái học thuật – đang đặt ra những thách thức và cơ hội lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh quốc gia đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số trong giáo dục và phát triển kinh tế tri thức, năng lực ngôn ngữ không còn là mục tiêu phụ trợ mà trở thành một yêu cầu cốt lõi của nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, một trong những điểm nghẽn rõ rệt của giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu hụt nội dung ngôn ngữ đặc thù và phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp thực tiễn. Chương trình tiếng Anh phổ thông và đại học chủ yếu tập trung vào kỹ năng ngôn ngữ tổng quát hoặc luyện thi, trong khi năng lực từ vựng chuyên môn – đặc biệt là trong các ngành như y tế, kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao hay du lịch – vẫn chưa được phát triển bài bản. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy việc xây dựng các bảng từ chuyên biệt không thể tách rời khỏi các hệ thống kho ngữ liệu ngành nghề và sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp. Thứ hai, để tránh rơi vào tình trạng “học để thi” nhưng không “học để dùng”, giáo dục Việt Nam cần chuyển đổi mô hình giảng dạy ngôn ngữ từ kiểm tra kiến thức sang phát triển năng lực ứng dụng, trong đó yếu tố chuyển giao tri thức đóng vai trò trọng tâm. Chính sách giáo dục cần yêu cầu các cơ sở đào tạo tích hợp các phương pháp giảng dạy theo nhiệm vụ (task-based), dạy học tình huống (scenario-based) và mô phỏng thực tiễn nghề nghiệp vào chương trình ngôn ngữ. Bộ tiêu chí đánh giá cũng cần điều chỉnh để phản ánh được khả năng sử dụng ngôn ngữ trong các bối cảnh khác nhau – như thuyết trình chuyên môn, viết email thương mại, hay giao tiếp đa văn hóa. Thứ ba, cần thiết lập một chiến lược phát triển hệ sinh thái nghiên cứu và đào tạo giáo viên ngôn ngữ mang tính hệ thống, liên ngành và gắn với chính sách quốc gia. Như mô hình của Singapore đã cho thấy, việc kết nối giữa Bộ Giáo dục, trường đại học sư phạm và cộng đồng giáo viên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới chương trình mà còn thúc đẩy năng lực nghiên cứu hành động tại cơ sở. Cuối cùng, trong bối cảnh chuyển đổi số, chính sách giáo dục ngôn ngữ tại Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của công nghệ như công cụ hỗ trợ – từ nền tảng học tập cá nhân hóa, phân tích dữ liệu học tập đến các công cụ tạo bảng từ vựng tự động và đánh giá bằng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, chuyển đổi số cần đi kèm với chuyển đổi tư duy – tức chuyển từ mục tiêu dạy “đúng chương trình” sang mục tiêu phát triển “năng lực ngôn ngữ thích ứng” cho thế hệ công dân toàn cầu.

Tựu trung lại, nếu giáo dục ngôn ngữ được coi là một chiến lược dài hạn để đầu tư cho nguồn nhân lực, thì chính sách ngôn ngữ cần vượt ra khỏi khuôn khổ của một môn học, để trở thành một trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia. Những bài học từ các quốc giabkhông chỉ gợi mở về nội dung hay phương pháp, mà quan trọng hơn là chỉ ra rằng: không thể có đổi mới thực chất nếu thiếu đi một tầm nhìn chính sách toàn diện và sự đầu tư đồng bộ vào hệ sinh thái giảng dạy – nghiên cứu – ứng dụng ngôn ngữ trong giáo dục.

Vân An

Tài liệu tham khảo

Dang, T. N. Y., & Webb, S. (2025). Applications of word lists in second language learning and teaching. Language Teaching, 1–19. https://doi.org/10.1017/S0261444824000247

James, M. A. (2024). Teaching for transfer of second language learning: A proposed research agenda. Language Teaching, 1–16. https://doi.org/10.1017/S0261444824000314

Nagatomo, D., & Fukuda, S. T. (2024). A critical review of L2 teaching and learning research in Japan (2019–2023). Language Teaching, 1–21. https://doi.org/10.1017/S0261444824000193

Curdt-Christiansen, X. L., & Toh, G. (2024). Research in English language teaching and learning in Singapore: 2017–2023. Language Teaching, 1–20. https://doi.org/10.1017/S0261444824000259

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19