Từ thực hành đến chuyển hóa: Đào tạo giảng viên chánh niệm hướng tới phát triển cá nhân và chuyên môn

Trong bối cảnh chánh niệm được xem là một hướng tiếp cận phổ biến trong chăm sóc sức khỏe tinh thần và giáo dục, việc đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên chánh niệm đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Quá trình đào tạo giảng viên chánh niệm không chỉ nâng cao kĩ năng chuyên môn, mà còn góp phần cải thiện đáng kể năng lực tự điều chỉnh cảm xúc và phúc lợi tâm lí của chính những người học. Đây là những yếu tố then chốt trong việc giảng dạy hiệu quả và bền vững.

Sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm (MBIs), như MBSR hay MBCT, trong hai thập niên gần đây đã khẳng định vai trò tích cực của chánh niệm đối với sức khỏe tâm thần và thể chất. Tuy nhiên, khi nhu cầu nhân lực giảng dạy các chương trình này tăng cao, đòi hỏi các chương trình đào tạo phải hướng đến sự phát triển toàn diện của người học, bao gồm cả nhận thức, kĩ năng và phẩm chất nội tại như sự hiện diện, khả năng quan sát, hành động có chủ đích và chấp nhận bản thân. Nghiên cứu của Matiz và cộng sự (2025) đã khảo sát tác động của một chương trình đào tạo giảng viên chánh niệm kéo dài 9 tháng đối với 87 học viên là bác sĩ và nhà tâm lí học tại Ý, so sánh với nhóm đối chứng tương đương về tuổi và trình độ học vấn. Kết quả cho thấy, nhóm tham gia đào tạo có sự cải thiện rõ rệt ở các năng lực chánh niệm cốt lõi như: quan sát, mô tả, hành động có ý thức và phản ứng không bốc đồng. Đồng thời, họ cũng giảm được mức độ suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tăng cảm nhận về sự phát triển cá nhân và mục tiêu sống so với nhóm không tham gia đào tạo.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định vai trò then chốt của các chương trình đào tạo giảng viên chánh niệm không chỉ trong trang bị kĩ năng dạy học, mà còn nuôi dưỡng nội lực, giúp người dạy có khả năng tự điều chỉnh, đồng cảm và tạo môi trường học tích cực. Việc phát triển đồng thời các yếu tố “kĩ năng - cảm xúc - giá trị” sẽ giúp hình thành một thế hệ giảng viên không chỉ giỏi nghề mà còn truyền cảm hứng và dẫn dắt bằng chính sự hiện diện sống động của họ.

Cải thiện kĩ năng chánh niệm

Dựa trên bộ công cụ đánh giá Five Facet Mindfulness Questionnaire, nghiên cứu ghi nhận nhóm đào tạo (MTT) có tiến bộ vượt trội ở bốn trong năm năng lực chánh niệm: “quan sát”, “mô tả”, “phản ứng không bốc đồng” và “hành động có ý thức”. Đặc biệt, tiến bộ ở năng lực mô tả (diễn đạt trải nghiệm nội tâm) được duy trì ổn định và có ý nghĩa thống kê rõ rệt. Điều này cho thấy quá trình đào tạo không chỉ giúp người học thực hành chánh niệm, mà còn hỗ trợ họ phát triển khả năng phản ánh nội tâm, đây là một phẩm chất quan trọng với giảng viên trong các lĩnh vực trị liệu, giáo dục hay tư vấn.

Giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực kéo dài và tăng năng lực điều chỉnh cảm xúc

Ở khía cạnh điều chỉnh cảm xúc (đo bằng công cụ H-FERST), nghiên cứu ghi nhận mức giảm đáng kể của suy nghĩ tiêu cực kéo dài. Đây là chỉ báo tâm lí quan trọng cho sự phục hồi tinh thần, nhất là trong bối cảnh nghề nghiệp dễ bị “kiệt sức” cảm xúc như giảng viên, bác sĩ, nhà trị liệu. Tuy vậy, không có sự khác biệt rõ ràng ở các năng lực điều chỉnh cảm xúc khác như tái cấu trúc nhận thức, chấp nhận hay tránh né cảm xúc, cho thấy các khía cạnh này có thể cần thời gian dài hơn hoặc phương pháp can thiệp cụ thể hơn để tạo ra thay đổi.

Tăng cường phúc lợi tâm lí

Trên thang đo Psychological Well-being, hai khía cạnh được cải thiện đáng kể là “sự phát triển cá nhân” và “mục tiêu sống” - hai yếu tố thuộc nhóm phúc lợi tập trung vào ý nghĩa và sự hoàn thiện bản thân. Đây là một phát hiện quan trọng, nhấn mạnh rằng các chương trình đào tạo giảng viên chánh niệm không chỉ hướng tới năng lực chuyên môn, mà còn tạo điều kiện cho người học tìm thấy sự kết nối sâu sắc hơn với bản thân, với mục tiêu sống và với hành trình phát triển dài hạn.

(Nguồn ảnh: Pexels)

Việc nâng cao khả năng quan sát, hành động có chủ đích và giảm phản ứng bốc đồng không chỉ có lợi cho bản thân người học mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Giảng viên càng ổn định về mặt cảm xúc, càng có khả năng hiện diện và lắng nghe học viên, từ đó xây dựng được không gian học tập an toàn, đồng cảm và hiệu quả hơn. Đây là minh chứng rõ ràng cho quan điểm “người dạy cũng là người thực hành”. Nghiên cứu của Matiz và cộng sự đã góp phần làm sáng tỏ một khoảng trống quan trọng trong lĩnh vực đào tạo giảng viên chánh niệm đó là tác động của chính quá trình đào tạo lên người học. Bằng các công cụ đo lường đáng tin cậy và thiết kế có nhóm đối chứng, nghiên cứu đã chứng minh rằng chương trình đào tạo 9 tháng không chỉ nâng cao các năng lực chánh niệm cốt lõi, mà còn cải thiện khả năng điều chỉnh cảm xúc và tăng cường hai thành tố quan trọng của phúc lợi tâm lí (phát triển cá nhân và mục tiêu sống). Đây là những chỉ báo tích cực cho việc xây dựng chuẩn mực chất lượng cho các chương trình đào tạo giảng viên chánh niệm trong tương lai.

Nguồn: Matiz, A., Chiesa, A., D’Antoni, F., Barbieri, R., & Crescentini, C. (2025). Training for Mindfulness Teachers: Benefits for Mindfulness, Well-being, and Emotion Regulation. Mindfulness, 16, 465-476. https://doi.org/10.1007/s12671-025-02520-z

Khánh Linh lược dịch

Bạn đang đọc bài viết Từ thực hành đến chuyển hóa: Đào tạo giảng viên chánh niệm hướng tới phát triển cá nhân và chuyên môn tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19