Những căng thẳng mà giáo viên chuyển nghề gặp phải khi bắt đầu chương trình đào tạo: Góc nhìn thực tiễn từ Hà Lan

Giáo viên chuyển nghề mang đến nhiều giá trị cho giáo dục, nhưng cũng đối mặt với không ít căng thẳng ngay từ đầu chương trình đào tạo. Nghiên cứu tại Hà Lan đã chỉ ra bảy dạng căng thẳng đặc thù mà lực lượng này thường gặp, đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tình trạng thiếu hụt giáo viên đang là mối quan tâm toàn cầu. Tại nhiều quốc gia như Vương quốc Anh hay Bỉ, một tỉ lệ đáng kể giáo viên mới đến từ các chương trình đào tạo thay thế, trong đó nổi bật là nhóm giáo viên chuyển nghề (Second-Career Teachers - SCTs). Nghiên cứu của Van Heijst và cộng sự (2025) thực hiện với khoảng 26-34% sinh viên các chương trình đào tạo giáo viên thuộc nhóm giáo viên chuyển nghề tại Hà Lan - những người từng có sự nghiệp trong lĩnh vực khác trước khi bước vào ngành giáo dục. Họ được kì vọng mang đến cho trường học kinh nghiệm sống phong phú, kĩ năng chuyên môn sâu và góc nhìn đa chiều, qua đó góp phần đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉ lệ bỏ nghề của giáo viên chuyển nghề lại rất cao. Tại Hà Lan, chỉ 33% giáo viên chuyển nghề vẫn còn gắn bó với nghề sau 7 năm đào tạo; ở Bỉ, con số rời bỏ nghề trong vòng 5 năm lên đến gần 50%. Điều này cho thấy, quá trình trở thành giáo viên của nhóm giáo viên chuyển nghề ẩn chứa nhiều rào cản, đặc biệt là các trải nghiệm căng thẳng (tension) trong giai đoạn đầu của hành trình đào tạo. Hiểu rõ những căng thẳng này là điều kiện tiên quyết để xây dựng chương trình hỗ trợ hiệu quả và giữ chân lực lượng giáo viên tiềm năng này.

Nghiên cứu cho thấy, các giáo viên chuyển nghề trải qua 7 dạng căng thẳng chính trong học kì đầu của chương trình đào tạo giáo viên, bao gồm: (1) Mâu thuẫn giữa vai trò người mới và kinh nghiệm sẵn có; (2) Khó khăn trong việc chấp nhận vai trò học viên thực tập; (3) Đối mặt với độ phức tạp của nghề giáo; (4) “Vỡ mộng” với môi trường giáo dục thực tế so với kì vọng lí tưởng; (5) Sự hỗ trợ không tương xứng từ giảng viên và nhà trường; (6) Chương trình đào tạo chưa hợp lí; (7) Những hệ lụy cá nhân do chuyển nghề như thiếu thời gian và bất định tương lai. Cụ thể: Thứ nhất, giáo viên chuyển nghề phải đối mặt với mâu thuẫn giữa kinh nghiệm dày dạn trong nghề cũ và vị thế “người mới” trong môi trường sư phạm. Nhiều người cảm thấy bối rối khi nhận ra các kĩ năng từng hiệu quả trong công việc trước đây lại không dễ dàng áp dụng vào lớp học, đồng thời kì vọng cao vào bản thân khiến họ nhanh chóng rơi vào cảm giác thất vọng; Thứ hai, việc trở thành học viên thực tập khiến giáo viên chuyển nghề khó chấp nhận vai trò “dưới quyền”, nhất là khi họ từng giữ các vị trí lãnh đạo hoặc có thâm niên trong lĩnh vực cũ. Khoảng cách thế hệ với giáo viên hướng dẫn càng làm gia tăng sự lúng túng trong quan hệ công việc; Thứ ba, độ phức tạp của nghề giáo vượt xa tưởng tượng của nhiều giáo viên chuyển nghề. Họ phải xử lí hàng loạt tình huống đa dạng trong lớp học, từ quản lí hành vi học sinh đến ra quyết định tức thời, với áp lực cao và ít thời gian chuẩn bị; Thứ tư, môi trường giáo dục thực tế không như kì vọng lí tưởng của giáo viên chuyển nghề. Từ cách giáo viên tương tác với học sinh, văn hóa chia sẻ trong trường học cho đến áp lực từ thiếu hụt nhân sự, nhiều giáo viên chuyển nghề cảm thấy vỡ mộng khi hệ thống vận hành thiếu hiệu quả; Thứ năm, mức độ hỗ trợ từ giảng viên đại học và giáo viên hướng dẫn chưa tương xứng với nhu cầu của giáo viên chuyển nghề. Một số người cảm thấy bị đánh giá thấp, thiếu cơ hội, sự bình đẳng và không được hỗ trợ phù hợp với nhịp độ phát triển cá nhân, dẫn đến mất động lực hoặc thậm chí bỏ cuộc; Thứ sáu, cách tổ chức chương trình đào tạo còn nhiều bất cập. Giáo viên chuyển nghề gặp khó khăn với hệ thống học liệu điện tử thiếu thân thiện, lịch trình thay đổi đột ngột và bài tập không sát thực tiễn; Thứ bảy, việc chuyển đổi nghề nghiệp kéo theo những hệ lụy cá nhân đáng kể. Giáo viên chuyển nghề phải sắp xếp giữa học tập, giảng dạy, công việc làm thêm và nghĩa vụ gia đình, dẫn đến thiếu hụt thời gian nghiêm trọng. Đồng thời, sự bất định về tương lai nghề nghiệp sau khóa học càng làm tăng thêm áp lực và lo âu.

(Nguồn ảnh: Pexels)

Nghiên cứu cho thấy, hành trình trở thành giáo viên của giáo viên chuyển nghề không chỉ là trau dồi chuyên môn mà còn là quá trình “làm lại từ đầu” đầy thử thách về mặt tâm lí, xã hội và nghề nghiệp. Những căng thẳng họ gặp phải bắt nguồn từ sự giao thoa giữa kinh nghiệm sống phong phú và vị thế người mới học nghề. Do vậy, các chương trình đào tạo không thể đào tạo giáo viên chuyển nghề như các sinh viên sư phạm truyền thống. Về mặt thực tiễn, cần thiết kế chương trình đào tạo cá nhân hóa hơn, đảm bảo thời lượng hợp lí, có người hướng dẫn kinh nghiệm và thấu hiểu về quá trình chuyển nghề nhằm tạo điều kiện để giáo viên chuyển nghề chuyển hóa kinh nghiệm cũ thành lợi thế sư phạm. Đồng thời, các trường học cần công nhận và tận dụng giá trị mà giáo viên chuyển nghề mang lại, thay vì giữ khoảng cách với họ như “người ngoài cuộc”.

 

Nguồn: Van Heijst, I., Cornelissen, F., & Volman, M. (2025). Tensions experienced by second-career student teachers at the start of their training programme. European Journal of Teacher Education, 1-16. https://doi.org/10.1080/02619768.2024.2445105

Khánh Linh lược dịch

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19