Những năm gần đây, bên cạnh rất nhiều những nhà giáo tận tâm với nghề, vẫn tồn tại một số trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây bức xúc trong xã hội. Ở chiều ngược lại, nhiều giáo viên cũng đang chịu áp lực nặng nề từ dư luận, bị phán xét hoặc xúc phạm danh dự trên không gian mạng xã hội khi chưa có kết luận chính thức, làm tổn hại sâu sắc đến uy tín cá nhân và nghề nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Từ thực tiễn đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã soạn thảo, trưng cầu ý kiến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia và đã được Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15, trong đó có nội dung quy định rõ ràng về đạo đức nhà giáo và những hành vi không được làm được xây dựng chi tiết tại Điều 10 và Điều 11 của bộ luật. Với quy định này được xem là bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý bảo vệ môi trường giáo dục lành mạnh, đồng thời lan tỏa những giá trị chuẩn mực trong nghề dạy học.
Đạo đức nhà giáo – Quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ
Tại Điều 10, Luật Nhà giáo xác định đạo đức nhà giáo gồm hệ thống các quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học và cộng đồng. Đây là điểm nhấn quan trọng, đưa đạo đức nghề nghiệp trở thành một yêu cầu bắt buộc trong hành trình làm nghề của mỗi nhà giáo, chứ không còn là khái niệm mang tính tự giác hay truyền thống đạo lý đơn thuần.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ ban hành quy tắc ứng xử cụ thể, giúp đồng bộ hóa các chuẩn mực ứng xử trong toàn hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Việc này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi những vụ việc liên quan đến hành vi phản giáo dục hay thiếu chuẩn mực đạo đức của một số cá nhân nhà giáo đã làm xói mòn niềm tin xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề nghiệp.
Việc đưa đạo đức nhà giáo vào quy định pháp luật cũng thể hiện rõ định hướng xây dựng một nền giáo dục nhân văn, lấy người học làm trung tâm, lấy phẩm chất người thầy làm điểm tựa.
Những điều "không được làm đối với nhà giáo: Cụ thể hóa ranh giới đạo đức và pháp lý
Tại Điều 11 của Luật Nhà giáo quy định rõ ràng về Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Điều 11 quy định nhà giáo không được làm các việc như: Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; Ép buộc người học nộp tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Việc cấm phân biệt đối xử giữa người học dưới mọi hình thức là nguyên tắc bảo đảm công bằng, tránh hiện tượng thiên vị, kỳ thị vốn dễ gây tổn thương tâm lý cho người học và ảnh hưởng đến động lực học tập. Hay việc cấm gian lận trong tuyển sinh và đánh giá kết quả học tập đưa ra giới hạn rõ ràng, khẳng định không khoan nhượng với những hành vi làm sai lệch kết quả học tập. Việc cấm ép buộc học thêm sai quy định giải quyết vấn đề nhức nhối kéo dài trong nhiều năm qua giúp giảm áp lực với người học và gánh nặng chi phí cho gia đình… Việc ra những điều luật khung đối với những việc nhà giáo không được làm trên thể hiện sự kiên quyết trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, lợi dụng quyền lực nghề nghiệp trong môi trường giáo dục.
Điều 11, Luật Nhà giáo không chỉ quản lý hành vi của nhà giáo mà còn bảo vệ nhà giáo khỏi những hành vi sai trái từ tổ chức, cá nhân khác. Có 3 hành vi tiêu biểu bị nghiêm cấm gồm: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo đời sống, tinh thần và hiệu quả làm việc của nhà giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi giáo viên còn nhiều thiệt thòi; Đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong những nội dung quan trọng, cần thiết để bảo vệ danh dự và uy tín nhà giáo trước các hành vi tuyên truyền thông tin tiêu cực, thiếu căn cứ, đặc biệt trong kỷ nguyên mạng xã hội, khi việc lan truyền thông tin nhanh hơn việc điều tra; Ngoài ra, điều luật cũng cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật đối với nhà giáo.
Với tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, việc luật hóa các quy tắc đạo đức và hành vi nghề nghiệp của nhà giáo là bước tiến cần thiết để bảo vệ sứ mệnh cao cả của người thầy.
Trịnh Thu
Tài liệu tham khảo
Quốc hội (2025): Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15 (https://cdn.thuvienphapluat.vn//phap-luat/2022-2/NTMH/29062025/Luat-nha-giao-so-73.pdf)