Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục từ lâu đã gắn liền với những kỳ vọng về một cuộc "cách mạng hóa" toàn diện. Từ radio, truyền hình đến máy tính hay điện thoại thông minh, mỗi công nghệ mới ra đời đều mang theo hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cách dạy và học. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, giáo dục không phải là một hệ thống có thể thay đổi tức thì. Nó là một hệ sinh thái phức hợp về mặt xã hội, văn hóa và chính trị, nơi mà công nghệ chỉ đóng vai trò như một phần tử hỗ trợ trong mạng lưới vận hành rộng lớn. Trong bối cảnh ấy, Generative AI không làm đảo lộn hệ thống giáo dục, mà đang thúc đẩy một quá trình tiến hóa thận trọng nhưng mạnh mẽ – đặc biệt trong lĩnh vực dạy và học ngôn ngữ.
Tại các quốc gia đa văn hóa như Úc, nơi kỹ năng số là điều kiện tiên quyết để hòa nhập xã hội, nhiều người trưởng thành học tiếng Anh như ngôn ngữ bổ sung (English as an additional language - EAL) – đặc biệt là người nhập cư và người tị nạn – đang phải đối mặt với những rào cản lớn khi tiếp cận Generative AI. Dữ liệu khảo sát gần đây từ hơn 250 giáo viên, lãnh đạo giáo dục và học viên trưởng thành tại các trung tâm đào tạo nghề và trường học cho thấy, chỉ khoảng 36% học viên từng nghe đến Generative AI, và chưa đến 30% thực sự hiểu nó vận hành như thế nào. Đáng chú ý, chỉ 22% học viên từng sử dụng công cụ như ChatGPT, Gemini hay Copilot trong học tập hoặc đời sống (Creely et al., 2025).
Trong khi nhiều học viên thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng tiếp cận, các nhà giáo dục lại bày tỏ sự dè dặt. Một bộ phận giáo viên cho rằng công nghệ này quá phức tạp so với trình độ ngôn ngữ của học viên, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Một giáo viên nhận định: “Chúng tôi còn khó hiểu về AI, huống gì giải thích nó cho học viên trình độ sơ cấp.” Một số người lo ngại rằng học viên có thể “dùng AI để đánh lừa giảng viên”, hay dễ bị lạc hướng bởi nội dung sai lệch do AI tạo ra (Creely et al., 2025, p. 181). Quan điểm này phần nào phản ánh tư duy thiếu tin tưởng vào năng lực tư duy phản biện và khả năng sử dụng công nghệ một cách sáng tạo của người học – đặc biệt khi họ sử dụng đa ngôn ngữ, dịch thuật hoặc công cụ hỗ trợ để tương tác với AI.
Từ góc nhìn lý thuyết, các phân tích đã vận dụng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) – vốn được xây dựng trên cơ sở niềm tin, thái độ và hành vi của người dùng (Davis, 1989; Venkatesh & Bala, 2008). Trong đó, bốn yếu tố chính bao gồm: kiến thức chức năng (functional knowledge), mức độ dễ sử dụng (ease of use), tính hữu dụng (usefulness) và ý định sử dụng (intention to apply). Các dữ liệu định tính và định lượng cho thấy sự lệch pha giữa người học và giáo viên trong cả bốn yếu tố này. Chẳng hạn, hơn 60% học viên tin rằng biết cách dùng Generative AI sẽ giúp họ dễ tìm việc hơn, trong khi phần lớn giáo viên lại cho rằng học viên “khó có khả năng tạo prompt hiệu quả” hoặc “chưa sẵn sàng về mặt ngôn ngữ lẫn kỹ thuật số”.
Trên thực tế, một số học viên đã chủ động sử dụng ChatGPT để tra từ, luyện viết, tìm hiểu thủ tục hành chính, thậm chí xin việc. Một học viên chia sẻ: “Tôi dùng ChatGPT để luyện viết email và làm hồ sơ xin visa, nó giúp tôi hiểu từng bước cần làm" (Pegrum, 2025). Tuy nhiên, ngay cả những người dùng tích cực cũng cho thấy sự cảnh giác với các hạn chế của AI – từ thông tin không chính xác đến thiên kiến văn hóa trong phản hồi. Điều đó cho thấy người học không chỉ sử dụng AI một cách tiện ích, mà còn bước đầu hình thành năng lực đánh giá và chọn lọc – một phần cốt lõi trong khái niệm năng lực AI (AI literacy).
Việc phát triển năng lực AI hiện đang được nhìn nhận như một thành phần thiết yếu trong năng lực số của công dân thế kỷ XXI. Không chỉ là khả năng sử dụng công cụ, năng lực AI còn bao gồm khả năng đặt lệnh hiệu quả (prompt literacy), đánh giá tính đáng tin cậy của kết quả, và hiểu các hệ quả đạo đức – xã hội của việc sử dụng công nghệ. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho giáo viên: không chỉ dạy kỹ năng ngôn ngữ, mà còn hướng dẫn cách cộng tác hiệu quả với AI, trong vai trò người bạn đồng hành học tập – chứ không phải người thay thế hoàn toàn.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đã bắt đầu thử nghiệm các ứng dụng như Duolingo Max, Khanmigo, hoặc các công cụ tạo chatbot tùy chỉnh để tạo môi trường luyện nói, phản hồi tự động hoặc đóng vai tình huống. Ở các cấp độ cao hơn, AI được sử dụng để thiết kế kế hoạch bài giảng, tạo đề kiểm tra, hoặc thậm chí viết báo cáo học tập từ ghi chú. Tuy nhiên, cần cảnh giác với các vấn đề đạo đức liên quan đến bảo mật dữ liệu, sự phụ thuộc thái quá, hay thiên kiến trong đầu ra của AI – đặc biệt với học viên không bản ngữ.
Một khía cạnh quan trọng khác là thiết kế đánh giá. Trong bối cảnh AI có thể tạo ra văn bản mượt mà trong vài giây, việc tiếp tục áp dụng các bài kiểm tra dựa trên sản phẩm ngôn ngữ thuần túy sẽ khó đảm bảo tính xác thực. Thay vào đó, nên khuyến khích các nhiệm vụ đánh giá ở bậc cao trong thang Bloom, như: yêu cầu học viên phản biện, chỉnh sửa, hoặc nâng cấp văn bản do AI tạo ra; hoặc tạo sản phẩm học tập cùng AI và lý giải quá trình sáng tạo. Những hình thức đánh giá này không chỉ đo kiến thức mà còn thể hiện khả năng hợp tác người – máy (human-AI partnership) một cách sáng tạo và phản biện.
Đối với Việt Nam, vệc tích hợp AI vào chương trình học không nên giới hạn ở bậc đại học hay các trường chuyên ngữ, mà cần được phổ cập trong giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm đào tạo người lớn. Các mô hình học linh hoạt, sử dụng AI như trợ lý học tập đa ngữ, có thể giúp người học tự thiết kế hành trình học tập, giảm áp lực ngôn ngữ, tăng tính chủ động và kết nối với thế giới. Tuy nhiên, để tránh rơi vào "ảo tưởng công nghệ", giáo dục Việt Nam cần chuẩn bị hạ tầng chính sách phù hợp, bao gồm: xây dựng chương trình bồi dưỡng năng lực AI cho giáo viên; ban hành quy tắc đạo đức và dữ liệu; đồng thời hỗ trợ người học trưởng thành – đặc biệt nhóm yếu thế – tiếp cận công nghệ thông qua chính sách tài chính, hạ tầng và dịch vụ tư vấn học tập.
Tựu trung, Generative AI không “cách mạng hóa” giáo dục ngôn ngữ, mà đang mở ra một lộ trình tiến hóa – trong đó công nghệ đóng vai trò là chất xúc tác, còn sự chuyển đổi thực sự chỉ diễn ra khi người học được trao quyền, giáo viên được nâng lực, và hệ thống giáo dục thích ứng một cách bao trùm. Việt Nam, với cam kết chuyển đổi số quốc gia và sự tăng trưởng nhu cầu học tập suốt đời, đang đứng trước cơ hội quý báu để không chỉ “ứng dụng AI” mà còn “kiến tạo giáo dục” trong thời đại hậu ChatGPT.
Vân An
Tài liệu tham khảo
Creely, E., Barnes, M., Tour, E., Henderson, M., Waterhouse, P., Pena, M. A., & Patel, S. V. (2025). Exploring attitudes to generative AI in education for English as an additional language (EAL) adult learners. ReCALL, 37(2), 174–190. https://doi.org/10.1017/S0958344024000314
Pegrum, M. (2025). From revolution to evolution: What generative AI really means for language learning. Language Teaching, 1–17. https://doi.org/10.1017/S0261444825000151
Davis, F. D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology. MIS Quarterly, 13(3), 319–340.
Venkatesh, V., & Bala, H. (2008). Technology acceptance model 3 and a research agenda on interventions. Decision Sciences, 39(2), 273–315. https://doi.org/10.1111/j.1540-5915.2008.00192.x