Thu hút, trọng dụng nhà giáo: Bước tiến quan trọng cho nghề dạy học

Mới đây tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15, ngày 12/6/2025. Đây là một đạo luật chuyên ngành lần đầu tiên dành riêng cho đội ngũ nhà giáo tại Việt Nam. Trong đó, Điều 25 của Luật đã quy định rõ ràng và toàn diện về chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo, khẳng định vị thế, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo, khẳng định vị thế, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Nhiều nhóm đối tượng được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng

Luật Nhà Giáo xác định ba nhóm đối tượng trọng tâm sẽ được hưởng các chính sách thu hút và trọng dụng đặc biệt đó là:

Đối tượng xếp đầu tiên là những người có trình độ cao, có tài năng, năng khiếu đặc biệt hoặc kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới sáng tạo trong giảng dạy;

Đối tượng thứ hai, Nhà giáo đến công tác tại các vùng khó khăn như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc thu hút nhà giáo đến các khu vực này sẽ góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Đối tượng thứ ba, Nhà giáo giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ví như các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, an ninh quốc phòng, y tế cộng đồng,…

Chính sách toàn diện và linh hoạt

Theo Điều 25, các chính sách trọng dụng nhà giáo bao gồm nhiều nội dung thiết thực và cụ thể, trải dài từ quy trình tuyển dụng cho tới phát triển nghề nghiệp và phúc lợi: Ưu tiên trong tuyển dụng, tiếp nhận, giúp những người có năng lực và kinh nghiệm dễ dàng gia nhập hệ thống giáo dục, đồng thời đảm bảo chọn lọc những cá nhân ưu tú nhất cho ngành nghề đặc thù này. Chính sách tiền lương, phụ cấp hấp dẫn, đặc biệt là đối với nhà giáo công tác tại vùng khó khăn hoặc giảng dạy trong các ngành nghề đặc biệt. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chuyên môn, giúp nhà giáo thích ứng nhanh với yêu cầu đổi mới giáo dục và công nghệ; Việc quy hoạch, bổ nhiệm hợp lý, bảo đảm cơ hội phát triển nghề nghiệp công bằng và dựa trên năng lực, thành tích; Điều kiện làm việc, trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, tạo môi trường giảng dạy, nghiên cứu tích cực, hiệu quả; Phúc lợi xã hội và các chính sách hỗ trợ khác, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhà giáo... Đặc biệt, các chính sách này không áp dụng chung chung mà có sự tùy chỉnh, linh hoạt theo điều kiện từng địa phương và cơ sở giáo dục, nhằm phát huy tối đa hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Trách nhiệm của địa phương và cơ sở giáo dục

Một điểm đáng chú ý của quy định tại Điều 25 là sự phân cấp rõ ràng trong việc tổ chức thực hiện chính sách. Chính quyền địa phương và từng cơ sở giáo dục được giao quyền chủ động xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, trọng dụng phù hợp với nguồn lực tài chính và đặc thù phát triển tại địa phương mình. Đây là bước chuyển mạnh mẽ từ quản lý tập trung sang phân quyền, trao quyền tự chủ cho cơ sở.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã sớm có những mô hình hay trong thu hút và giữ chân giáo viên. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho giáo viên vùng cao, đồng thời dự kiến hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng và sinh hoạt phí hằng tháng từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/người để thu hút giáo viên lên vùng cao dạy học. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình “Tìm kiếm và trọng dụng giáo viên giỏi” thông qua hình thức thi tuyển, xét chọn công khai.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo không chỉ là giải pháp về nhân sự, mà còn là chiến lược phát triển giáo dục bền vững. Việc đảm bảo thu hút đúng người, giữ chân được người giỏi, người tâm huyết chính là tiền đề để nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới phương pháp và hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Tham vấn tại Quốc hội, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo là những chính sách quan trọng trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây cũng là chính sách trụ cột để thu hút người tài, thu hút giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Nhận xét về tầm quan trọng của chính sách đối với nhà giáo, một chuyên gia Ban Phát triển nhà giáo của UNESCO, bà Valerie Djioze-Gallet chia sẻ với báo giới: “Ở mức độ tối thiểu, một chính sách nhà giáo toàn diện cần bảo đảm công tác đào tạo ban đầu chất lượng và phù hợp; có sự hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên; có chế độ đãi ngộ và cơ chế khuyến khích giúp thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành sư phạm”.

Như vậy, Luật Nhà giáo với Điều 25 như một điểm nhấn quan trọng đã chính thức khởi động một giai đoạn mới cho công cuộc xây dựng đội ngũ nhà giáo "vừa hồng vừa chuyên", đáp ứng yêu cầu của thời đại chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững.

 

Trịnh Thu

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2025): Luật Nhà giáo, số 73/2025/QH15, ngày 16/6/2025 (Luat-nha-giao-so-73.pdf )

 

Bạn đang đọc bài viết Thu hút, trọng dụng nhà giáo: Bước tiến quan trọng cho nghề dạy học tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn