Trong mỗi thành phố, làng xóm, sự phát triển được biểu hiện một phần từ kiến trúc công trình đến những tuyến đường thoáng đãng. Để có sự phát triển ấy cần cả một tập hợp nhiều “bộ não tổ chức không gian sống” dưới sự chỉ huy của quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng không chỉ là vẽ nên các bản đồ, mà chính là thiết kế với tầm nhìn dài hạn cho con người, cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức về đô thị hóa, môi trường sống, phát triển bền vững - ngành Quy hoạch vùng và đô thị lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Khi thành phố không thể lớn lên một cách “tự phát”
Từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến các đô thị như: Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh…, đâu đâu cũng thấy tốc độ phát triển nhanh chóng. Nhiều nhà cao tầng xuất hiện, nhiều khu công nghiệp mở rộng, dịch chuyển dân cư, hạ tầng liên tục nâng cấp bởi nhu cầu phát triển “nóng”.
Phía sau sự phát triển sôi động ấy là hàng loạt câu hỏi: Vì sao kẹt xe vẫn xảy ra mỗi ngày dù đường đã mở rộng? Vì sao ngập lụt xảy ra nhiều hơn giữa lòng đô thị? Vì sao có những khu đô thị vắng bóng người? Vì sao vùng nông thôn bị bỏ quên trong khi đô thị “phình to”?... Câu trả lời nằm ở một yếu tố cốt lõi: quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu đồng bộ, và thiếu người làm nghề chuyên sâu. Đó là lúc vai trò của ngành Quy hoạch vùng và đô thị trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Quy hoạch vùng và đô thị - Ngành học định hình không gian sống tương lai
Không chỉ tập trung vào thiết kế công trình và cảnh quan, ngành Quy hoạch vùng và đô thị nhìn không gian ở quy mô rộng lớn hơn: từ các khu dân cư, khu đô thị đến cấp phường, xã và đến quy mô cấp tỉnh và vùng liên tỉnh. Đây là ngành học chuyên sâu về cách tổ chức không gian lãnh thổ, bố trí dân cư, sử dụng đất đai, phát triển hạ tầng hướng tới sự cân bằng giữa bảo tồn - phát triển.
Người làm quy hoạch không chỉ là vẽ bản đồ - họ vẽ nên tương lai
Trong bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ tập trung dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch vùng miền, thì nhu cầu về những người làm quy hoạch bài bản, tư duy liên ngành và có trách nhiệm xã hội là rất cấp thiết.
Từ nhu cầu thực tế đến trách nhiệm nghề nghiệp
Ngành Quy hoạch vùng và đô thị gắn liền với những câu chuyện rất đời thường: Một đô thị cần phát triển nhà ở, nhưng làm sao không làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên? Một khu công nghiệp cần mở rộng, nhưng làm sao không gây ngập cho các khu dân cư kế cận? Một tuyến cao tốc đi qua tỉnh nghèo, nhưng làm sao để dân được hưởng lợi chứ không chỉ là “xuyên qua”?
Tất cả những câu hỏi đó đòi hỏi người làm quy hoạch phải có tư duy tổng hợp: kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa v.v... Không chỉ làm việc với bản vẽ, người làm quy hoạch còn biết đối thoại với cộng đồng, tham vấn chính quyền, và đưa ra các giải pháp tổ chức không gian sống bền vững, cân bằng.
Đây cũng là điều được chú trọng trong đào tạo tại Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội - nơi không chỉ dạy cách “vẽ đúng”, mà còn dạy cách “nghĩ đúng” và “sống có trách nhiệm với xã hội”.
Một môi trường học tập gắn liền với hoạt động nghề nghiệp thực tế
Sinh viên ngành Quy hoạch vùng và đô thị tại Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn được học tập trong môi trường đậm chất thực hành. Các đồ án không phải là những sa bàn viễn tưởng, mà luôn gắn với những địa điểm thực tế, từ cải tạo làng cổ, lập quy hoạch cân bằng sinh thái vùng ven đô, tái thiết vùng thiên tai, đến phát triển những thành phố, khu chức năng phát triển kinh tế.
Chương trình học cung cấp những lý thuyết quy hoạch mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, và nhiều kiến thức bổ trợ về văn hóa, đô thị học, phát triển bền vững, chính sách đất đai. Bên cạnh đó, các buổi điền dã, khảo sát thực địa, làm việc nhóm giúp sinh viên tiếp cận với cách tư duy của nhà quy hoạch chuyên nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Đặc biệt, nhiều giảng viên và cựu sinh viên tại đây đang là chuyên gia tham gia vào các đồ án ở mọi cấp độ, từ vùng liên tỉnh đến các khu dân cư - tạo nên mạng lưới học thuật - thực tiễn đa dạng, giúp người học có thêm cơ hội phát triển và cọ xát nghề nghiệp.
Sinh viên của ngành quy hoạch vùng và đô thị rất tài năng cũng như dành được những giải thưởng danh giá trong lĩnh vực quy hoạch
Cơ hội việc làm mở rộng cùng với sự phát triển đất nước
Ngành Quy hoạch vùng và đô thị không phải là “chỉ ngồi vẽ quy hoạch” như nhiều người nghĩ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào làm việc tại: Các Viện quy hoạch, các công ty tư vấn về phát triển đô thị - nông thôn; Các sở, ban, ngành nhà nước, quản lý về quy hoạch - xây dựng - tài nguyên - môi trường; Các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu về phát triển bền vững; Khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ ứng dụng, công nghệ thông minh, số hóa dữ liệu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc không gian lãnh thổ từ quy mô quốc gia đến các địa phương, lập các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị - nông thôn, thì nhu cầu tuyển dụng trong ngành đang không ngừng gia tăng.
Hơn cả một ngành học là lựa chọn về lối sống và tầm nhìn
Chọn học ngành Quy hoạch vùng và đô thị, cũng là chọn một cách nhìn cuộc sống từ góc nhìn hệ thống, dài hạn và nhân văn. Đó là nơi hội tụ của những người trẻ biết quan tâm đến cộng đồng, thích tìm hiểu những mối liên hệ giữa con người - không gian - chính sách, và mong muốn góp phần định hình tương lai phát triển cho đất nước.
Giữa thời đại mà mọi thứ thay đổi chóng mặt, người làm quy hoạch là người phải đi chậm để nhìn xa, phải “vẽ” hôm nay để “sống tốt” cho 20 – 30 năm sau. Và nếu bạn là người trẻ yêu tư duy chiến lược, yêu những bản đồ mang hơi thở cuộc sống, và muốn thấy dấu ấn của mình trên chính quê hương sau này thì đây chính là ngành dành cho bạn.
Không gian sống chất lượng không tự nhiên mà có. Mỗi khu dân cư tiện lợi, mỗi tuyến giao thông thông minh, mỗi vùng phát triển hài hòa giữa công nghiệp - nông nghiệp - du lịch… đều bắt đầu từ một tư duy quy hoạch đúng đắn.
Ngành Quy hoạch vùng và đô thị được đào tạo bài bản tại Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chính là nơi nuôi dưỡng những con người có khát vọng thiết kế tương lai từ hiện thực, tổ chức xã hội từ không gian, và gieo hạt bền vững vào từng vùng đất Việt Nam.
Trịnh Thu