Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2025 đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong cách ra đề thi, bám sát theo mục tiêu phát triển năng lực người học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi tăng cường phân hóa và hướng đến năng lực vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn của người học.

Trong 2 ngày 26-27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới. Đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, thí sinh thi 4 môn bao gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn. Cách tính điểm tốt nghiệp cũng có sự thay đổi: điểm thi chiếm 50%, điểm trung bình cả 3 năm học phổ thông chiếm 50%. Cách tính này đề cao quá trình học tập và bắt buộc các trường THPT phải nâng cao chất lượng đánh giá thường xuyên. Như vậy, việc thay đổi cấu trúc và cách thức tổ chức kỳ thi lần này không chỉ nhằm phục vụ xét tốt nghiệp mà còn hướng tới đánh giá năng lực thực sự của người học.

Ảnh minh họa

Thay đổi đề thi theo hướng thực tiễn, tăng tính phân hóa

Cách ra đề thi năm nay có sự thay đổi rõ rệt so với các năm trước. Các môn thi đều được thiết kế bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giảm thiểu ghi nhớ máy móc, tăng cường câu hỏi liên quan đến thực tiễn và năng lực vận dụng. Ví dụ, đề Toán ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn còn có dạng thức đúng/sai, dạng thức trả lời ngắn, đề thi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, đề thi chuyển hướng sang các bài toán thực tiễn, yêu cầu khả năng ứng dụng cao. Đối với môn Tiếng Anh, một số ý kiến cho rằng đề khó hơn nhiều so với đề minh họa mà Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã công bố. Trả lời về vấn đề này tại buổi họp báo sau khi kết thúc kỳ thi chiều 27/6, đại diện Bộ GDĐT cho biết độ khó đề thi là điểm đã được ban chỉ đạo cấp quốc gia trao đổi, quán triệt trước khi công tác làm đề thi diễn ra.

Như vậy, đề thi được thiết kế với mục đích tránh tình trạng “học tủ”, “luyện đề” vốn tồn tại trong nhiều năm qua. Đề thi được thiết kế với tỷ lệ phân bố câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4-3-3. Điều này đòi hỏi học sinh phải học bài bản, toàn diện, không thể học lệch, học mẹo. Đề Ngữ văn không còn yêu cầu khuôn mẫu mà tạo điều kiện để thí sinh thể hiện tư duy cá nhân, cảm nhận độc lập - đúng với định hướng phát triển năng lực theo chương trình mới.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng với mục tiêu đa tầng, kỳ thi này đang gánh nhiều vai trò dẫn đến khó khăn trong khâu ra đề. Đề thi đánh giá được năng lực thật của học sinh là theo đúng tinh thần của đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng không thể tránh khỏi việc một số thí sinh gặp khó khăn với dạng đề mới, đề thi dài, nhiều dữ kiện phức tạp. Bộ GDĐT ghi nhận phản ánh về độ khó của đề thi và sẽ có sự xem xét, đánh giá cụ thể khi công tác chấm thi hoàn thiện.

Những thách thức cần được nhận diện và giải quyết

Cùng với sự đổi mới tích cực, kỳ thi năm nay cũng bộc lộ một số thách thức. Các môn mới như tin học, công nghệ đã chính thức có mặt trong các môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn về điều kiện dạy học, đội ngũ giáo viên và tài liệu có thể ảnh tới tới chất lượng thi giữa các vùng miền.

Độ khó của đề thi năm nay cũng tạo một áp lực nhất định lên thí sinh và giáo viên, đặc biệt ở các môn đòi hỏi tốc độ đọc hiểu và tư duy nhanh. Với một số học sinh, đề thi mang tính tích hợp và mở như hiện nay là một thử thách. Quan trọng hơn, kỳ thi mới vẫn cần thời gian hoàn thiện về kỹ thuật và quy trình. Việc tổ chức thi - chấm thi - công bố kết quả trong bối cảnh đề mới, câu trả lời đa dạng đòi hỏi sự chính xác và tính minh bạch cao. Bất kỳ sơ suất nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến tính công bằng, nhất là khi kết quả kỳ thi này vẫn là căn cứ xét tuyển vào đại học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục, phản ánh bước chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo năng lực, kết thúc chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những kết quả của kỳ thi là dữ liệu thực tiễn để Bộ GDĐT hoàn thiện các phương thức thi, tuyển sinh trong những năm tới.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19