Giáo dục nghề nghiệp chuyển mình trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang được tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập suốt đời, các trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên (GDTX) đang đứng trước bước chuyển mình lớn, với kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong phân luồng, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực linh hoạt cho tương lai.

Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới

Các trung tâm GDNN-GDTX là mô hình giáo dục đặc thù, vừa đào tạo nghề, vừa giảng dạy, bổ túc văn hóa. Các trung tâm có tiềm năng lớn để thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời trong cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phân luồng học sinh vẫn gặp một số rào cản do tâm lý ưa chuộng bằng cấp, lo ngại chất lượng đào tạo nghề, thiếu cơ hội học tập liên thông… Việc nâng cao năng lực và vị thế cho các trung tâm sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn này. Đặc biệt, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết thúc chu trình đầu tiên với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, vai trò của các trung tâm GDNN-GDTX trong thực hiện phân luồng, giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng số cho học sinh càng trở nên cấp thiết.

Thực tế tại một số trung tâm cho thấy mô hình đào tạo linh hoạt, kết hợp giữa học nghề, học văn hóa và học kỹ năng đang ngày càng phát huy hiệu quả. Tại Hà Nội, 29 trung tâm GDNN-GDTX thuộc các quận, huyện, thị xã đã được chuyển giao nguyên trạng về Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Hà Nội. Theo kế hoạch, Sở sẽ tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng trung tâm để có cơ sở đề xuất đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời điều chỉnh cơ chế hoạt động phù hợp với phân cấp quản lý mới và quy định pháp luật hiện hành. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện định hướng nâng cao vai trò của các trung tâm trong hệ thống giáo dục chung.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các trung tâm cần được đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm và đặc biệt là hành lang pháp lý rõ ràng.

Ảnh minh họa

Kỳ vọng từ chính sách mới

Sau hơn một thập kỷ triển khai Luật GDNN năm 2014, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, luật hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới.

Theo Bộ GDĐT, bối cảnh hiện tại của đất nước và thế giới đang đặt ra những yêu cầu và thách thức chưa từng có đối với GDNN. Điều này thể hiện rõ qua nhu cầu về cơ cấu trình độ và năng lực của nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật GDNN sửa đổi trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chính sách phân luồng học sinh trung học cơ sở đang được đẩy mạnh. Với tinh thần đổi mới, Dự thảo Luật hướng đến đào tạo nghề, liên thông giữa các trình độ, tăng cường vai trò của doanh nghiệp và giảm thủ tục hành chính không cần thiết. So với Luật GDNN hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thêm nhiều nội dung quan trọng như: chương trình trung học nghề tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình trung học phổ thông và chuyên môn nghề cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; trường trung học nghề; công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp trong GDNN; giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu; chuẩn cơ sở GDNN, chuẩn chương trình đào tạo, hệ thống bảo đảm chất lượng; hoạt động hợp tác đầu tư của cơ sở GDNN Việt Nam ở nước ngoài…

Từ nhiều năm nay, việc phân luồng, định hướng học sinh học nghề sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông bộc lộ nhiều bất cập. thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để hỗ trợ học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa. Dự thảo Luật lần này trực tiếp tháo gỡ điểm nghẽn đó, tạo điều kiện để phân luồng hiệu quả và công bằng theo hướng liên thông, linh hoạt và hội nhập

GDNN đang được nhìn nhận như một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lưc quốc gia. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về kỹ năng, năng lực thực hành, khả năng thích nghi và kỹ năng học tập suốt đời ngày càng được coi trọng, việc nâng cấp khung pháp lý cho GDNN là yêu cầu tất yếu.

GDNN đang cần một khung pháp lý hiện đại, đồng bộ và phù hợp với xu thế phát triển. Đây không chỉ là công cụ để tháo gỡ những điểm nghẽn cũ, mà còn là đòn bẩy để GDNN chuyển mình đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục nghề nghiệp chuyển mình trong bối cảnh mới tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19