Chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo công bằng, minh bạch
Ngay sau khi các thí sinh hoàn thành kỳ thi tố nghiệp THPT 2025, công tác chấm thi đã được khẩn trương triển khai tại tất cả các hội đồng thi trên toàn quốc. Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi theo đúng quy chế, đặc biệt là chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm và công tác phúc khảo.
Trước đó, Bộ GDĐT đã có Công văn 2999 ngày 13/6/2025 gửi đến các Sở GDĐT về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, công tác chấm thi, phúc khảo bài thi theo 2 bước gồm: thành lập các ban chấm thi theo đơn vị hành chính hiện hành và kiện toàn Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, hội đồng thi và các bạn thuộc hội đồng thi ngay khi chính quyền cấp tỉnh mới chính thức hoạt động. Các ban của hội đồng thi thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ.
Một số địa phương đã chủ động triển khai công tác chấm thi. Hà Nội có hơn 800 cán bộ, giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố đang tham gia công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau khi triển khai các công việc theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ được thực hiện theo tiến độ chung. Khu vực chấm thi đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn và biệt lập, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 3000 giáo viên của thành phố cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chấm thi tốt nghiệp THPT. Một số tỉnh, thành có sắp xếp đơn vị hành chính vẫn giữ được sự chủ động. Các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh được kiện toàn kịp thời sau khi chính quyền mới đi vào vận hành.
Giám sát chặt chẽ
Một điểm mới của kỳ thi năm nay là công tác coi thi được tổ chức dưới chính quyền địa phương ba cấp, nhưng chấm thi và xét tốt nghiệp thuộc về chính quyền hai cấp. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ về tổ chức, phân công nhân sự và kiểm soát tiến độ. Tuy nhiên, Bộ GDĐT đã lường trước điều này và quán triệt quan điểm: Học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam, tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế. Bộ GDĐT đã hướng dẫn rõ, trong đó lưu ý những vấn đề cần ưu tiên trong việc điều chỉnh ban chấm thi.
Ảnh minh họa
Theo lịch dự kiến của Bộ GDĐT, chậm nhất 17h ngày 13/7, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cùng các Hội đồng thi tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi giữ liệu kết quả thi về Bộ GDĐT, đối sánh kết quả thi. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025.
Điểm mới đối với công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 là yêu cầu thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.
Trong bối cảnh tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc giữ ổn định tổ chức, nhân sự và đảm bảo quyền lợi thí sinh là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục. Với sự chỉ đạo quyết liệt, chi tiết và thích ứng linh hoạt của Bộ GDĐT, cùng với sự chủ động, nghiêm túc của các địa phương, công tác chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp đang được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, đúng quy chế.
Hà Giang