Ảnh minh họa
Giải quyết bài toán thực tiễn
Trên thực tế, các quy định quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành từ lâu, như Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, và gần đây nhất là Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố.
Tại cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích nguyên nhân của tình trạng học thêm là tổng hòa của nhiều yếu tố: Từ cơ chế quản lý, hoạt động giảng dạy của giáo viên, đến nhu cầu xã hội. Trong đó, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là một thực tế nổi bật, được chỉ ra rõ trong các cuộc giám sát của Quốc hội. Nhu cầu học thêm nhiều khi xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng học tập, trong khi điều kiện giảng dạy ở một số địa phương còn hạn chế.
Việc kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm cần được nhìn nhận như một phần trong tổng thể cải cách giáo dục. Nếu chỉ siết chặt bằng các biện pháp như cấm, xử phạt mà không cải thiện chất lượng dạy học trong nhà trường, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn sẽ tồn tại.
Thực tế tại một số địa phương cho thấy, dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn còn phổ biến. Tháng 4/2025, một trung tâm dạy thêm tại quận Đống Đa (Hà Nội) với gần 600 học sinh và 29 giáo viên đã bị đóng cửa do vi phạm quy định công khai nội dung, học phí, và nhiều sai phạm khác. Tại TP.HCM, các lớp học núp bóng “luyện chữ đẹp”, “hội họa” cho học sinh tiểu học thực chất là dạy văn hóa trái phép cũng đã bị phát hiện qua kiểm tra đột xuất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong công tác giám sát. Theo Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 của Bộ GDĐT quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông; thẩm quyền quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lí hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường quy định tại Điều 10 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm do ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Đây là bước đi quan trọng nhằm thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp trong quản lý giáo dục. Khi chính quyền địa phương chủ động nắm bắt, giám sát, kiểm tra tình hình dạy thêm trên địa bàn, việc xử lý vi phạm có thể được thực hiện kịp thời, sát thực tiễn hơn.
Việc kiểm tra, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm cần được đặt đúng trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Quản lý dạy thêm, học thêm cần gắn với cải cách chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm tải áp lực thi cử, nâng cao chất lượng giáo viên và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo.
Hà Giang