Ảnh minh họa
Định hình lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học
Hiện nay, cả nước có gần 300 cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, hiện đang có sự phân tán, vẫn còn nhiều trường quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ và nhiều trường manh mún, phân tán. Hiện nay, các trường đại học đang tập trung ở các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế. Việc tập trung ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế, thủ đô, các thành phố lớn là dễ hiểu. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng việc còn nhiều khu vực đồng bằng, khu vực tập trung về kinh tế, xã hội nhưng mà thiếu nhiều trường đại học là vấn đề cần đánh giá lại.
Vì vậy, nhiệm vụ thời gian tới là sẽ tập trung quy hoạch, sắp xếp lại, định hướng phát triển cho hệ thống giáo dục đại học. Điều này nhằm đảm bảo gọn đầu mối, hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Hiện, Bộ GDĐT đang đề xuất chỉnh sửa cả 3 Luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp) để tạo sự đồng bộ, thống nhất.
Ba trụ cột ưu tiên để tái cơ cấu được đại diện Bộ GDĐT nhắc tới là trường đại học quốc gia, đại học vùng; đại học sư phạm; ngành công nghệ và kỹ thuật. Trong đó, đại học quốc gia và đại học vùng được xác định là đầu tàu trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho từng vùng và cả nước. Tuy nhiên, ví dụ đối với đồng bằng sông Cửu Long, mật độ các trường đại học ít hơn các khu vực khác. Trong thực hiện Nghị quyết vùng của Trung ương cũng đã có định hướng tăng cường các cơ sở giáo dục nhằm tăng cường tiềm lực, quy mô đào tạo cho các tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đối với hệ thống các trường sư phạm, đây là các cơ sở giáo dục đóng vai trò chính trong việc đào tạo đội ngũ nhà giáo - lực lượng then chốt cho sự nghiệp giáo dục quốc dân. Trong quá trình sắp xếp, cần quy hoạch lại theo hướng hình thành một số trung tâm đào tạo sư phạm lớn, liên kết với các trường địa phương, nâng cao chuẩn đầu ra và chất lượng thực tập sư phạm. Trong khi đó, nhóm trường công nghệ và kỹ thuật cần được định hướng phát triển để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ngành kỹ thuật - công nghệ cũng là nhóm ngành chiến lược mà Nhà nước đang xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư. Vì thế, các trường đào tạo nhóm ngành này cần được phân tầng rõ ràng, quy hoạch lại để tránh chồng lấn chức năng, từ đó hình thành các trung tâm đào tạo công nghệ ứng dụng tầm khu vực.
Nhiều đổi mới trong tư duy quy hoạch hệ thống giáo dục đại học
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ và hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một bước ngoặt trong tư duy hệ thống. Trong đó, Bộ GDĐT có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai Quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện và hướng dẫn thực hiện Quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ Quy hoạch bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin, dữ liệu về Quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn xây dựng và triển khai các đề án sắp xếp, tổ chức lại và phát triển các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.
Dẫn chứng một số nước trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Hàn Quốc với số dân trên 50 triệu dân nhưng có trên 800 trường đại học, hoặc tại Hoa Kỳ, một quốc gia trên 300 triệu dân nhưng số trường đại học là hơn 3.000 trường đại học. Vì vậy, quá trình quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sẽ giúp tinh gọn hệ thống, tập trung nguồn lực vào những nơi thực sự có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học là quá trình phức tạp, cần nhiều quyết đoán chính trị, đồng thuận xã hội và lộ trình thực thi rõ ràng. Sự thay đổi này có thể tác động tới cán bộ quản lý, giảng viên, người học và cả hệ sinh thái giáo dục - đào tạo hiện tại. Nếu thực hiện tốt, Việt Nam có thể hình thành một hệ thống đại học mạnh, tinh gọn, hiện đại và hội nhập - nơi mỗi trường không chỉ là nơi cụng cấp tri thức, mà còn là động lực phát triển tri thức, công nghệ và con người cho quốc gia.
Hà Giang