Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025: Phép thử cho chương trình giáo dục phổ thông 2018

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 không chỉ là một cột mốc quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, mà còn là phép thử đầu tiên quy mô toàn quốc để kiểm chứng tính hiệu quả của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau khi hoàn tất chu trình đầu tiên. Với hơn một triệu thí sinh dự thi, kỳ thi năm nay được kỳ vọng là thước đo phản ánh chất lượng dạy và học, từ đó giúp hoàn thiện chính sách và tổ chức giáo dục trong giai đoạn tới.

Quy mô lớn, thách thức lớn

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2025 có tổng cộng 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 100.000 em so với năm 2024. Trong đó, 97,71% là học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - khóa học đầu tiên tiếp cận toàn diện chương trình mới. Cấu trúc đề thi mới, cách tính điểm xét tốt nghiệp theo hướng cân bằng giữa kết quả thi và học bạ, đòi hỏi thí sinh phải học nghiêm túc, toàn diện trong suốt 3 năm THPT, thay vì chỉ tập trung ôn luyện ngắn hạn. Áp lực tổ chức thi cũng rất lớn, từ việc bảo mật đề thi, phòng chống tiêu cực với công nghệ cao

Đặc biệt, đây còn là kỳ thi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy và chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương.

Kỳ thi đã diễn ra với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của bộ, ban, ngành. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã khẳng định, đây là kỳ thi đặc biệt, mang tính lịch sử. Chính vì thế, kỳ thi năm nay được Bộ GDĐT và toàn ngành xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

Ảnh minh họa

Trước đó, từ tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo kỳ thi. Trong tháng 5/2025, hai Công điện (số 58 và 61) tiếp tục được Thủ tướng ban hành nhằm bảo đảm kỳ thi được tổ chức thông suốt, nghiêm túc, chu đáo.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trực tiếp chủ trì họp với các bộ, ngành về công tác chuẩn bị thi và ban hành Thông báo kết luận số 217/TB-VPCP. Tại đây, yêu cầu đặt ra là bảo đảm kỳ thi "an toàn, thông suốt, nghiêm túc, khách quan, chu đáo, gọn nhẹ, tin cậy, hiệu quả"; tổ chức theo tinh thần "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: "Chưa bao giờ công tác tổ chức kỳ thi lại nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao và kịp thời như hiện nay từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ, ngành. Đây là sự khích lệ, nhưng cũng là áp lực rất lớn để toàn ngành nỗ lực vượt bậc". 

Kỳ thi này cũng là cơ hội để hệ thống giáo dục tự hoàn thiện. Kết quả thi sẽ là phép thử quan trọng, phản ánh tương đối chính xác chất lượng dạy học theo chương trình mới. Đồng thời, qua kỳ thi, những bất cập và điểm yếu của chương trình, các triển khai hay cách tổ chức dạy học ở các nhà trường cũng sẽ bộc lộ rõ ràng hơn, tạo điều kiện để điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.

Nhận định ban đầu và kỳ vọng trong tương lai

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa diễn ra trong 2 ngày 26-27/6, Bộ GDĐT đánh giá sơ bộ công tác coi thi đã diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc với tinh thần thân thiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Về độ phân hóa của đề thi năm nay, nhất là đối với môn Toán và Tiếng Anh, đề thi năm nay có nhiều điểm mới do lần đầu tiên áp dụng hình thức đánh giá năng lực, nên học sinh có thể cảm thấy khác biệt. Tuy nhiên, Bộ GDĐT đã công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề tham khảo từ rất sớm để học sinh, giáo viên có thời gian làm quen, chuẩn bị, tránh thay đổi đột ngột. Đặc biệt, trước khi ra đề chính thức, các địa phương cũng tổ chức thi thử trên diện rộng tại cả 3 miền. Điều đáng ghi nhận là đề thi năm nay tập trung đánh giá năng lực học sinh, giúp các em biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “3 đảm bảo, 6 rõ ràng”, Bộ đã quán triệt rõ quan điểm: học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam, tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế.

Như vậy, chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã được triển khai bài bản và thống nhất từ trung ương đến địa phương, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Kỳ thi không chỉ là “thước đo” tính hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn là tiền đề cho một nền giáo dục hiện đại, công bằng và minh bạch. Những hành động quyết tâm tổ chức nghiêm túc, đồng thời tận dụng công nghệ để giảm áp lực, tăng độ tin cậy là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025: Phép thử cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19