Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi - Đầu tư cho "giai đoạn vàng" của trẻ (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thực trạng giáo dục mầm non: Thành tựu và khoảng trống cần lấp đầy
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đã phủ khắp toàn quốc với hơn 15.000 trường và 17.000 cơ sở độc lập, nuôi dưỡng và giáo dục hơn 5,1 triệu trẻ, trong đó có 4,56 triệu trẻ từ 3-5 tuổi. Tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,6%, là kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục mầm non trong hơn một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, vẫn còn gần 300.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chưa đến lớp. Đây phần lớn là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ dân tộc thiểu số, con em công nhân lao động di cư chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ giáo dục mầm non đạt chuẩn.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Quốc hội: “Phổ cập giáo dục mầm non không chỉ là vấn đề giáo dục, mà là nền tảng cho chiến lược dân số chất lượng cao, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, phù hợp với yêu cầu thời đại số và hội nhập quốc tế".
Đầu tư cho “giai đoạn vàng” của trẻ em
Giáo dục mầm non được các chuyên gia giáo dục xem là “giai đoạn vàng" trong hành trình phát triển của trẻ. Đây là thời kỳ quan trọng để hình thành nền tảng thể chất, tinh thần, cảm xúc và trí tuệ. Việc phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi không chỉ giúp trẻ có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào lớp 1 mà còn đóng vai trò thiết yếu trong nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, “Phổ cập giáo dục mầm non từ 3 đến 5 tuổi là sự đầu tư cho tương lai đất nước. Nó tạo nền tảng bình đẳng về cơ hội phát triển, là yếu tố then chốt để chuyển dịch từ “dân số đông” sang “dân số vàng” chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết còn góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và các nhóm đối tượng xã hội, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, vùng biên giới, hải đảo... Việc bảo đảm cho mọi trẻ em, bất kể hoàn cảnh nào, đều được tiếp cận giáo dục chính là biểu hiện cụ thể nhất của chính sách công bằng, nhân văn và toàn diện mà Đảng, Nhà nước theo đuổi.
Nội dung trọng tâm của Nghị quyết: Đến năm 2030, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Nghị quyết Quốc hội nêu rõ mục tiêu: đến năm 2030, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết xác lập 5 nhóm cơ chế, chính sách lớn:
Thứ nhất, Đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp: xây mới, cải tạo cơ sở vật theo hướng thân thiện, an toàn, đa chức năng; ưu tiên bố trí đất xây dựng trường học trong quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đất đai sửa đổi năm 2024.
Thứ hai, Bảo đảm đội ngũ giáo viên: thực hiện tuyển dụng đủ số lượng, nâng cao trình độ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8/1/2021.
Thứ ba, Chính sách đối với trẻ em và giáo viên: miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ khuyết tật; có phụ cấp ưu đãi nghề đối với giáo viên vùng khó khăn theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP.
Thứ tư, Huy động xã hội hóa: khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới, nơi có đông người lao động.
Thứ năm, Ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn: vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất được ngân sách trung ương hỗ trợ theo nguyên tắc phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Nghị quyết cũng nêu rõ, kinh phí thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi theo quy định của pháp luật. Nghị quyết cũng cho phép sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác... để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non theo quy định pháp luật.
Việc ban hành Nghị quyết không chỉ là một quyết định chính trị - hành chính, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quyền học tập, phát triển toàn diện cho mọi trẻ em.
Trịnh Thu