Một tiết dạy học tiếng Anh trực tuyến của học sinh trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù do giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố giảng dạy.
Lan tỏa tri thức từ miền biển đến vùng cao
Trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu dạy học ngoại ngữ ngày càng cao, nhưng với những ngôi trường vùng sâu vùng xa như Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù (Yên Bái), đó vẫn là bài toán khó. Trường có đến 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu giáo viên tiếng Anh, thiếu tiếp cận với công nghệ và phương pháp hiện đại.
Hiểu được điều đó, tháng 11/2023, từ sự kết nối của các cấp lãnh đạo tại Yên Bái và Hải Phòng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố bắt đầu hành trình hỗ trợ dạy học tiếng Anh online cho Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù. Bằng tinh thần “không có việc gì khó khi các địa phương cùng chủ động kết nối để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”, Trường Nguyễn Văn Tố đã tặng trường Tiểu học Bản Mù những thiết bị cần thiết như tivi, máy tính, camera, micro, đường truyền mạng riêng phục vụ cho lớp học trực tuyến đầu tiên. Hai cô giáo Trịnh Kim Oanh và Mai Thị Nguyệt Anh tình nguyện đảm nhận công việc không đơn giản ấy, vượt qua trở ngại địa lý để đưa những bài học tiếng Anh sinh động đến tận lớp học ở Bản Mù. Chỉ sau một tháng thử nghiệm, hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng. Đoàn công tác từ Hải Phòng đã trực tiếp lên Yên Bái để kiểm tra, đồng thời phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trao thêm trang thiết bị, bàn ghế, vật dụng học tập và áo ấm cho học sinh.
Một tiết dạy học tiếng Anh trực tuyến của cô giáo Mai Thị Nguyệt Anh - trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố và các em học sinh trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù.
Bước sang năm học 2024-2025, với những thành quả ban đầu, hai trường thống nhất mở rộng chương trình dạy học online cho cả học sinh khối 4 và 5. Sau hơn một năm triển khai, chương trình dạy học tiếng Anh trực tuyến giữa Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố và Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù đã mang lại những kết quả rõ nét, cả về chất lượng giáo dục lẫn tác động xã hội. Tính đến hết năm học 2024–2025, đã có tổng cộng 744 tiết học được tổ chức online cho học sinh khối 4 và 5 của Bản Mù, trong đó chỉ riêng năm học 2024–2025 đã có 560 tiết. Qua đó, trình độ tiếng Anh của các em học sinh được cải thiện đáng kể: nhiều em đã có thể tự tin giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, chủ động đặt câu hỏi và tương tác với giáo viên trong giờ học. Không khí lớp học trở nên sôi nổi, tích cực hơn, tinh thần học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành môn tiếng Anh đều đạt ở mức cao, đặc biệt trong nhóm học sinh dân tộc thiểu số và học sinh nữ. Bên cạnh đó, mô hình lớp học trực tuyến được xây dựng đơn giản, dễ triển khai nhưng vẫn hiệu quả cao, được Ban giám hiệu và giáo viên Bản Mù đánh giá tích cực và áp dụng như một mô hình mẫu để học hỏi, nhân rộng trong các tiết học khác.
Tiếp tục nhân rộng, tiếp tục sẻ chia
Không dừng lại ở hiệu quả tức thời, mô hình dạy học online giữa Nguyễn Văn Tố và Bản Mù đang được đánh giá là giải pháp khả thi, có thể nhân rộng. Vào tháng 4/2025, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái tổ chức chuyến khảo sát thực tế, trực tiếp dự tiết dạy online và đánh giá cao hiệu quả mô hình, và đề xuất nhân rộng ra các địa bàn khác tại tỉnh Yên Bái.
Dẫu vậy, hành trình này vẫn còn nhiều điều phải làm. Điều kiện cơ sở vật chất tại Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù hiện chỉ đáp ứng được cho khoảng 5 phòng học online. Trong khi đó, với 404 học sinh trải đều trên 13 lớp, việc học tiếng Anh trực tuyến cần thêm ít nhất một phòng học nữa và các thiết bị như camera góc rộng, mic trợ giảng, kết nối mạng ổn định.
Từ thực tế này, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã chủ động đề xuất tăng cường hỗ trợ cả về con người và phương tiện giảng dạy. Trong năm học 2025-2026, ba giáo viên gồm Mai Thị Nguyệt Anh, Trịnh Thị Kim Oanh và Nguyễn Thị Loan sẽ tiếp tục đồng hành cùng học sinh Bản Mù. Hai trường cũng dự kiến sẽ thực hiện mô hình dạy ghép lớp, chia cổng tiếp nhận trực tuyến để tối ưu hóa thời lượng giảng dạy. Không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, cả hai nhà trường đang hướng tới một mô hình toàn diện hơn: cá nhân hóa nội dung học phù hợp với trình độ, hoàn cảnh học sinh; tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh online, cuộc thi ngoại ngữ trực tuyến và mời chuyên gia giáo dục tham gia vào các tiết học đặc biệt.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tặng quà cho các em học sinh trong chương trình sơ kết một năm tài trợ, giúp đỡ trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù học tiếng Anh trực tuyến.
Chương trình dạy học tiếng Anh trực tuyến giữa Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố và Trường PTDTBT Tiểu học Bản Mù là minh chứng sống động cho thấy giáo dục có thể vượt qua mọi rào cản nếu có sự chung tay, sẻ chia và tâm huyết từ những người thầy. Khi công nghệ được dẫn dắt bằng trái tim và tình người, mọi khoảng cách về địa lý hay điều kiện sống đều có thể được san lấp. Những tiết học tiếng Anh nơi vùng cao không còn là điều xa vời, mà trở thành nguồn động lực, hy vọng để các em học sinh người dân tộc thiểu số vươn lên, mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới.
Hà Giang