Quốc tế hóa: Xu thế tất yếu trong đào tạo kiến trúc – quy hoạch
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, giáo dục đại học, đặc biệt ở những lĩnh vực mang tính liên ngành như kiến trúc và quy hoạch, không thể tách rời khỏi dòng chảy hội nhập quốc tế. Việc cập nhật tri thức mới, tiếp cận xu hướng toàn cầu và kết nối với các đối tác nước ngoài đã trở thành yêu cầu thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo tính cạnh tranh của nguồn nhân lực.
UAH tổ chức thành công hội thảo quốc tế ESCM 2025 với chủ đề "Quản lý vòng đời công trình bất động sản: kiến trúc, công nghệ, sinh thái''.
Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh (UAH) với lịch sử gần 50 năm phát triển và hơn 100 năm kế thừa truyền thống đào tạo kiến trúc hiện đại, đã sớm xác định quốc tế hóa là một định hướng quan trọng. Ngay từ khi thành lập, hoạt động đào tạo tại trường đã mang đậm dấu ấn hội nhập, từ phương pháp giảng dạy, giáo trình đến nguồn lực giảng viên. Nhiều thế hệ kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo từ Pháp, Nga, Mỹ, các nước Đông Âu đã về nước tham gia giảng dạy tại trường, góp phần xây dựng nền tảng học thuật vững chắc. Tuy nhiên, phải đến sau thời kỳ đổi mới và mở cửa, hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo mới thật sự khởi sắc. Một trong những dấu mốc đáng nhớ là chuyến thăm của kiến trúc sư Kenzo Tange – huyền thoại kiến trúc Nhật Bản – đến trường vào năm 1995. Dấu mốc này như một thời điểm bắt đầu cho việc các chương trình giao lưu học thuật, hội thảo, trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo được thúc đẩy mạnh mẽ, giúp UAH trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc quốc tế hóa đào tạo kiến trúc tại Việt Nam.
Chiến lược quốc tế hóa của nhà trường được định hình rõ ràng thông qua tuyên bố sứ mệnh và tầm nhìn: đến năm 2030 trở thành một trong những trường đại học hàng đầu khu vực và quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, mỹ thuật ứng dụng. Mục tiêu của chiến lược quốc tế hóa mà nhà trường theo đuổi tập trung vào bốn phương diện chính. Đó là nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy chất lượng nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế của trường trong và ngoài nước, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực từ hoạt động hợp tác quốc tế cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong đó, nâng cao chất lượng đào tạo luôn là trọng tâm cốt lõi.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trường đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc xây dựng và thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín quốc tế như KU Leuven (Bỉ), Swinburne (Úc), AIT (Thái Lan) hay Đại học Bắc Đan Mạch. Những chương trình này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với nội dung đào tạo hiện đại, mà còn mở rộng kỹ năng thực hành, tư duy quốc tế và khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Khám phá cánh cửa học tập và nghề nghiệp toàn cầu cùng UAH và Swinburne - Úc.
Ngoài hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hội thảo, workshop, chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên với các học viện lớn như MIT (Mỹ), NUS (Singapore), Đại học Tokyo (Nhật Bản), trường Kiến trúc AA (Anh)… Từ đó, sinh viên có thêm cơ hội học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu thế giới, đồng thời tiếp cận những đề tài thực tiễn, gắn với bối cảnh đô thị đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Workshop học thuật với các đối tác quốc tế tại trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Giờ.
Không chỉ các trường đại học, mà nhiều tập đoàn, công ty tư vấn và văn phòng kiến trúc quốc tế cũng hợp tác với Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh khi mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Họ xem đây là nơi kết nối, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như tìm kiếm những kiến trúc sư cộng sự tiềm năng cho các dự án quy mô của họ. Những tập đoàn hàng đầu như SOM, Gensler, HOK, gmp Architekten, hay các văn phòng danh tiếng toàn cầu như Sou Fujimoto, Toyo Ito, Fumihiko Maki, Ian Bentley… đều đã từng đến trường giảng dạy, giao lưu với sinh viên qua các chuyên đề đặc biệt.
Đáng chú ý, sinh viên của nhà trường luôn là nhân tố tích cực tham gia các cuộc thi kiến trúc quốc tế. Những giải thưởng đứng đầu trong các cuộc thi thiết kế quan trọng và danh giá tầm quốc tế như: Tài năng Sinh viên Kiến trúc châu Á (ARCASIA), Giải thưởng Đồ án Tốt nghiệp Quốc tế Tamayouz, Cuộc thi thiết kế Future Arc hay Cuộc thi The Last Nuclear Boom Memorial mà sinh viên UAH đã giành được trong những năm gần đây là minh chứng cho hiệu quả của chiến lược quốc tế hóa gắn với thực hành sáng tạo.
Sinh viên Danh Minh An và Trần Văn Huy (thứ hai và thứ tư từ trái sang) trong lễ nhận huy chương Vàng Giải thưởng ARCASIA 2023.
Đồ án “The Island” của sinh viên Trần Văn Huy, Nguyễn Thị Mỹ Duyên và Phạm Nguyễn Gia Huy – Đạt giải Nhất cuộc thi The Last Nuclear Boom Memorial 2023 – cuộc thi dành cho cả các KTS chuyên nghiệp thế giới.
Phát huy nội lực để hội nhập bền vững
Thành công của UAH trong quốc tế hóa còn đến từ việc phát huy tối đa nội lực. Không chạy theo mô hình “nhập khẩu” chương trình hay “xuất khẩu” sinh viên một chiều, nhà trường kiên định theo hướng phát triển bền vững – lấy học thuật làm trung tâm, coi trao đổi học thuật là điểm cốt lõi. Giảng viên, nhiều người trong số họ từng học tập và tu nghiệp ở nước ngoài, mang về không chỉ kiến thức chuyên môn thực hành thực tiễn mà còn là tư duy mở, phương pháp giảng dạy hiện đại, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức không bị giới hạn bởi rào cản ngôn ngữ hay khoảng cách địa lý.
Đồ án của sinh viên Nguyễn Thị Hoàng Diễm, đạt giải Nhất Giải thưởng Đồ án tốt nghiệp kiến trúc xuất sắc thế giới năm 2024, góp phần đem lại Giải thưởng “Trường Kiến trúc của năm” - lần thứ hai liên tiếp cho trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
Không có nhiều kinh phí dành cho hoạt động quốc tế hóa, nhưng UAH đã và đang chứng minh rằng chỉ cần sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng và một định hướng đúng đắn, hoàn toàn có thể xây dựng môi trường giáo dục giàu tính toàn cầu. Trường đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị giáo dục, có đủ đội ngũ với nguồn lực phù hợp cho các hoạt động trao đổi học thuật chuyên ngành liên quan đến kiến trúc quy hoạch.
Nhìn từ chặng đường đã qua, có thể thấy quốc tế hóa không còn là lựa chọn mà là xu thế tất yếu trong đào tạo kiến trúc – quy hoạch. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là cách mà Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã biến xu thế thành hành động cụ thể, thành cơ hội phát triển cho cả người học lẫn nhà trường. Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng, khả năng hợp tác, chia sẻ và thích nghi với các giá trị toàn cầu sẽ là chìa khóa để giáo dục kiến trúc Việt Nam vươn xa.
Tìm hiểu thêm về Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh tại đây:
Hà Giang