Tổ chức buổi học thứ hai trong ngày: Giải pháp căn cơ để học sinh phát triển toàn diện

Để buổi học thứ hai thực sự là cơ hội phát triển toàn diện cho học sinh, không trùng lặp, không trở thành gánh nặng cho phụ huynh, đòi hỏi những nguyên tắc cốt lõi, sự chung tay từ chính quyền, nhà trường và cộng đồng.

Không để buổi học thứ hai là buổi “mở rộng” của chính khóa

Việc dạy học hai buổi/ngày đã được đề cập trong nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục. Đây không chỉ là giải pháp để đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn là cách giúp học sinh phát triển năng lực toàn diện cả về trí tuệ, thể chất và kỹ năng sống. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là làm sao để buổi học thứ hai không bị biến tướng thành buổi học thêm, trùng lặp với chương trình chính khóa hoặc trở thành gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Điều này vừa làm sai lệch mục tiêu giáo dục toàn diện, vừa gây áp lực về thời gian, công sức và chi phí.

Ảnh minh họa

Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương ban hành văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo rõ mục đích, rõ yêu cầu, rõ đối tượng, rõ nội dung, rõ hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện,… tăng cường các hoạt động giáo dục về văn hóa, nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống, giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp; phát triển năng lực tiếng Anh,… đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là do thời lượng chính khóa chưa đủ để học sinh lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu mới; đồng thời thiếu sân chơi, hoạt động phát triển năng khiếu ngay tại trường học. Lớp học thêm trở thành giải pháp được phụ huynh lựa chọn để gửi con vào những buổi không học chính khóa.

Đảm bảo nguyên tắc không thu phí, không tạo gánh nặng, không trùng lặp giờ học chính khóa

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: Việc tổ chức buổi học thứ hai trong ngày là một định hướng lớn, được đặt ra với quyết tâm cao từ cả cấp Đảng, Chính phủ đến ngành giáo dục. Bộ đã và đang chuẩn bị các nội dung cần thiết để triển khai từ đầu năm học mới (tháng 9/2025), trong đó nguyên tắc cốt lõi là: Buổi học chính khóa sẽ tập trung truyền đạt kiến thức theo chương trình, còn buổi thứ hai dành cho phát triển toàn diện học sinh, không trùng lặp, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Buổi học thứ hai không nhằm mục tiêu gia tăng kiến thức học thuật, mà tập trung vào các hoạt động như: rèn luyện thể chất, thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, hướng dẫn học sinh tự học, đọc sách, làm việc nhóm, trải nghiệm, rèn kỹ năng sống và năng lực tự chủ trong học tập.

Nguyên tắc tổ chức buổi học thứ hai là không thu phí, không tạo gánh nặng cho phụ huynh. Để thực hiện được điều này, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các nhà tài trợ thực sự thông qua xã hội hóa đúng nghĩa, không dưới “danh nghĩa” đóng góp tự nguyện.

Nhìn nhận về tính khả thi trong thực tế, đại diện Bộ GDĐT cho rằng hiện bậc tiểu học đã triển khai khá phổ biến mô hình học hai buổi/ngày, với tỷ lệ đạt tới 99%. Tuy nhiên, ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, khó khăn còn rất lớn, nhất là ở các đô thị lớn nơi thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất còn hạn chế, sĩ số lớp học đông, chưa đủ giáo viên…

Một điểm mới trong định hướng triển khai buổi học thứ hai là huy động nguồn lực ngoài nhà trường, trong đó có vận động viên, nghệ sĩ, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa… cùng tham gia hướng dẫn học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, truyền cảm hướng. Đây là cách mở rộng không gian học tập và làm giàu trải nghiệm giáo dục của học sinh mà không làm quá tải đội ngũ giáo viên hiện có. Bộ GDĐT kỳ vọng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từng bước, từng bước sẽ tổ chức tốt buổi học thứ hai. Khi làm tốt việc này, mục tiêu phát triển toàn diện học sinh phổ thông sẽ có bước chuyển rất quan trọng.

Khi buổi học thứ hai thực sự trở thành không gian của thể thao, nghệ thuật, khám phá khoa học, trải nghiệm văn hóa, rèn luyện kỹ năng sống… nhà trường sẽ trở về đúng vai trò: là nơi nuôi dưỡng nhân cách, tri thức và hạnh phúc học sinh - thay vì chỉ là nơi truyền đạt kiến thức thuần túy.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức buổi học thứ hai trong ngày: Giải pháp căn cơ để học sinh phát triển toàn diện tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19