Chính sách mới cho các ngành khoa học cơ bản
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những ngành như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo… không chỉ là cơ sở để phát triển khoa học mà còn là bệ phóng cho nhiều lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Ảnh minh họa (Nguồn: Trường Đại học FPT)
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các ngành đào tạo này vẫn chưa thực sự hấp dẫn đông đảo người học. Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật then chốt còn thấp, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong tương lai. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức quốc gia.
Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ GDĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực con người - yếu tố cốt lõi để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tạo động lực học tập, phát triển nhân lực chất lượng cao
Theo Dự thảo Nghị định, người học bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược được hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt. Người học được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục. Ngoài ra, người học được cấp học bổng theo mức trần học phí theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục của năm hiện hành đối với chuyên ngành tương ứng. Các mức là 100% cho kết quả học tập xếp loại xuất sắc, 70% cho kết quả học tập xếp loại giỏi và 50% cho kết quả học tập xếp loại khá. Với mức hỗ trợ này, người học có thể trang trải phần lớn chi phí học tập và sinh hoạt, từ đó giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện để chuyên tâm học tập, nghiên cứu.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút và khuyến khích các tài năng trẻ học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; giúp người học giảm bớt khó khăn tài chính trong quá trình học tập, đặc biệt là đối với những người học tài năng nhưng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thể tập trung vào việc học và nghiên cứu.
Tại Hội thảo Góp ý xây dựng chính sách học bổng các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược ngày 20/6, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cơ sở giáo dục đại học cho rằng. nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành STEM ngày càng lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Tuy nhiên, chính sách học bổng hiện nay còn thiếu đồng bộ, mức hỗ trợ thấp, đặc biệt là ở bậc sau đại học. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, học bổng không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là công cụ thúc đẩy học tập, thu hẹp khoảng cách vùng miền, góp phần bình đẳng giới trong giáo dục kỹ thuật.
Chính sách học bổng mới sẽ không thay thế, không làm thay đổi các chính sách hiện hành tại cơ sở đào tạo, mà là sự bổ sung quan trọng, nhằm thu hút người học theo đuổi các lĩnh vực chiến lược quốc gia. Đây là bước đi phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; đồng thời gắn với định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Việc ban hành chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược là giải pháp thiết thực để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới. Đây cũng là cam kết cụ thể của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư cho tri thức và sáng tạo - những nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Hà Giang