Trong bối cảnh tiếng Anh giữ vai trò ngôn ngữ giảng dạy chính từ bậc trung học phổ thông đến đại học ở Ethiopia, việc nâng cao năng lực sử dụng ngữ pháp trở thành một nhiệm vụ cốt lõi trong đào tạo đại học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn sinh viên, dù đã trải qua nhiều năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông, vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngữ pháp một cách chính xác và linh hoạt trong giao tiếp học thuật. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ chương trình giảng dạy, mà còn do phương pháp dạy học truyền thống chưa phù hợp với năng lực tiếp nhận và nhu cầu đa dạng của người học. Mô hình lớp học đảo ngược (FLM) được xem là một tiếp cận sư phạm đổi mới, có khả năng khắc phục phần nào những bất cập này.
Trong nghiên cứu thực hiện tại một trường đại học Ethiopia, 116 sinh viên năm nhất thuộc khối ngành khoa học tự nhiên được chia thành hai nhóm: nhóm thực nghiệm áp dụng mô hình FLM và nhóm đối chứng học theo phương pháp truyền thống. Trong vòng sáu tuần, bốn chuyên đề ngữ pháp quan trọng – bao gồm động từ khiếm khuyết và động từ nguyên mẫu, thì, câu điều kiện và thể bị động – được triển khai theo hai phương pháp khác nhau. Với nhóm FLM, nội dung kiến thức được cung cấp trước qua video bài giảng và tài liệu trên nền tảng Telegram, giúp sinh viên chuẩn bị trước ở nhà. Thời gian trên lớp được dành cho các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, đóng vai, viết đoạn văn ngắn và thực hành sửa lỗi – những yếu tố thúc đẩy tư duy phản biện và khả năng ứng dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh thực.
Kết quả kiểm tra trước và sau can thiệp cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm. Nhóm FLM có điểm trung bình bài kiểm tra sau can thiệp là 17.51, cao hơn đáng kể so với mức 12.02 trước đó. Ngược lại, nhóm học theo phương pháp truyền thống không có sự cải thiện đáng kể (từ 14.27 xuống 14.03). Phân tích thống kê bằng kiểm định t và chỉ số hiệu ứng ETA-squared (g² = 0.0607) cho thấy sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê và mô hình FLM đã đóng góp khoảng 6,07% vào sự thay đổi thành tích ngữ pháp – một tỷ lệ đáng kể trong bối cảnh nhiều hạn chế về nguồn lực giảng dạy.
Những lợi ích nổi bật của FLM không chỉ dừng lại ở việc cải thiện điểm số. Mô hình này còn góp phần nâng cao động lực học tập, khả năng tự học và tinh thần chủ động của sinh viên. Sự kết hợp giữa học liệu số trước giờ học và các hoạt động tương tác trên lớp đã tạo ra một môi trường học tập tích cực, lấy người học làm trung tâm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Ethiopia, nơi các lớp học đông, thời lượng giảng dạy hạn chế và sự đa dạng về trình độ sinh viên thường cản trở việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực như học qua dự án hay học theo trạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng, nghiên cứu cũng chỉ ra một số thách thức trong quá trình triển khai FLM, bao gồm khó khăn về hạ tầng công nghệ, gánh nặng chuẩn bị bài giảng của giảng viên và sự phụ thuộc vào động lực tự học của người học. Những rào cản này đòi hỏi cần có chiến lược hỗ trợ phù hợp từ cấp quản lý giáo dục, bao gồm đầu tư công nghệ, đào tạo giảng viên sử dụng công cụ số, và thiết kế hoạt động lớp học linh hoạt để bù đắp sự khác biệt về năng lực học tập của sinh viên.
Từ góc nhìn quốc tế, kết quả của nghiên cứu này bổ sung bằng chứng cho một xu hướng đang ngày càng được công nhận: lớp học đảo ngược không chỉ phù hợp với các nền giáo dục phát triển mà còn có tính khả thi cao tại những hệ thống giáo dục có nguồn lực hạn chế – miễn là có sự thích ứng về mặt thiết kế sư phạm và tổ chức thực hiện. Việc sử dụng kênh Telegram, phát video qua USB hoặc bản in giấy khi Internet không ổn định cho thấy tính linh hoạt của FLM hoàn toàn có thể nhân rộng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu trên có giá trị tham chiếu quan trọng đối với giáo dục đại học Việt Nam – nơi mô hình lớp học đảo ngược đã được nhắc đến trong các tài liệu đào tạo giảng viên, nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến trong giảng dạy tiếng Anh không chuyên. Trong bối cảnh Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã nhấn mạnh việc hình thành năng lực giao tiếp tiếng Anh thực tiễn, việc chuyển đổi phương pháp dạy học ở bậc đại học để "nối dài" các năng lực được hình thành ở phổ thông là yêu cầu cấp thiết.
Mô hình FLM hoàn toàn có thể áp dụng tại các trường đại học Việt Nam, đặc biệt là trong dạy học các học phần tiếng Anh cơ sở hoặc tiếng Anh chuyên ngành ở năm nhất. Giảng viên có thể tận dụng các nền tảng miễn phí như Zalo, Facebook Group, hoặc ứng dụng LMS nội bộ để cung cấp học liệu trước giờ học. Quan trọng hơn, sự thay đổi cần bắt đầu từ tư duy tổ chức dạy học: chuyển trọng tâm từ “truyền đạt kiến thức” sang “tạo điều kiện để sinh viên chủ động lĩnh hội và ứng dụng kiến thức”. Các trung tâm ngoại ngữ và khoa tiếng Anh tại trường đại học cũng có thể tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giảng viên về thiết kế học liệu số, cách tổ chức lớp học theo mô hình FLM, từ đó hình thành cộng đồng thực hành chuyên môn bền vững.
Về mặt chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học, cần xem xét đưa FLM vào định hướng cải tiến phương pháp dạy học đại học theo hướng phát triển năng lực người học. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược để xây dựng văn hóa học tập tích cực, linh hoạt và gắn với thực tiễn – điều kiện thiết yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số toàn diện.
Nghiên cứu tại Ethiopia đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng mô hình lớp học đảo ngược có thể mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực ngữ pháp cho sinh viên năm nhất, ngay cả trong môi trường có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ. Kết quả này mở ra một hướng đi mới cho giáo dục đại học Việt Nam, nơi nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ số đang trở nên cấp thiết. FLM, nếu được triển khai bài bản và phù hợp với bối cảnh, có thể trở thành một công cụ hữu hiệu giúp sinh viên làm chủ tri thức và tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh học thuật – kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21.
Vân An
Nguồn:
Gebregziabher, H. A., Filate, A. Y., & Bishaw, K. S. (2025). Effects of flipped learning model on grammar achievement of first-year EFL students in Ethiopian universities. Cogent Education, 12(1). https://doi.org/10.1080/2331186X.2025.2520669