Triết lý và chính sách giáo dục trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc phát triển của các quốc gia, giáo dục được xác định là nền tảng then chốt cho chiến lược phát triển bền vững. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) – nhận định, một hệ thống giáo dục hiện đại không thể được kiến tạo nếu thiếu đi nền tảng triết lý rõ ràng và nhất quán làm cơ sở định hướng cho các chính sách.

Trao đổi với Tạp chí Giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề cập đến những vấn đề cốt lõi về triết lý giáo dục, phân tích những “điểm nghẽn” trong chính sách và đề xuất những tư duy đổi mới căn bản, toàn diện để thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, xin Giáo sư chia sẻ mối liên hệ nền tảng giữa triết lý giáo dục và các định hướng chính sách giáo dục trong bối cảnh hiện nay?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Chính sách giáo dục dựa trên những triết lý về bản chất con người, về mục đích chung của giáo dục và mục đích của xã hội. Giáo dục bao giờ cũng mang tính văn hóa, đạo đức và chính trị sâu sắc, đồng thời gắn bó chặt chẽ với những ý tưởng về một xã hội tốt đẹp và các cách thức làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa triết lý giáo dục với chính sách giáo dục trong thực tiễn thường gặp phải những trở ngại. Trước hết là sự lẫn lộn giữa khái niệm giáo dục – hiểu như sự chuẩn bị cho cuộc sống học tập suốt đời – và quan niệm về giáo dục – vốn phản ánh bản chất của giáo dục trong từng xã hội cụ thể. Điều này dẫn đến sự khác biệt, thậm chí khó hài hòa, giữa hệ giá trị trong xã hội và hệ giá trị trong hệ thống giáo dục; đồng thời đặt ra thách thức đối với vai trò của nhà trường trong việc thúc đẩy và điều tiết các giá trị đó.

PV: Theo quan điểm của Giáo sư, đâu là những giá trị cốt lõi cần được ưu tiên định hình và tích hợp trong chính sách giáo dục trong thời đại đổi mới hiện nay?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Giá trị tồn tại dưới dạng niềm tin và thái độ; đó chính là yếu tố giúp con người nhận diện ra rằng cuộc sống của họ có ý nghĩa và đáng sống. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm hay mỗi xã hội đều có thể chia sẻ một số giá trị chung, song đồng thời cũng có thể khác biệt ở nhiều giá trị khác. Chính vì vậy, khi xem xét việc ban hành một chính sách giáo dục, cần đặc biệt lưu ý tới việc kết hợp hài hòa giữa hai cách tiếp cận: từ khái niệm về giáo dục và từ quan niệm về giáo dục. Khi hệ giá trị trong xã hội và hệ giá trị trong hệ thống giáo dục tiệm cận được với nhau, chính sách giáo dục được ban hành sẽ có mức độ hiệu lực và hiệu quả cao hơn.

PV: Dưới góc nhìn nghiên cứu và thực tiễn triển khai, Giáo sư đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật và những “điểm nghẽn” chính trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 và cải cách giáo dục thời gian qua?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Có thể điểm qua một số kết quả nổi bật như: cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ việc chú trọng truyền đạt kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh; giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, nhất là trong việc tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và số công bố khoa học quốc tế tăng mạnh. Tuy nhiên, hạn chế bao trùm lên hầu hết các bất cập còn tồn tại chính là việc thể chế hoá một số nội dung quan trọng của Nghị quyết thành các chính sách và văn bản pháp luật phục vụ đổi mới giáo dục và đào tạo vẫn còn chậm được ban hành. Đặc biệt, các chính sách và cơ chế liên quan đến nguồn nhân lực và tài chính cho giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai trong thực tiễn.

PV: Giáo sư có thể phân tích khái niệm cải cách giáo dục trong bối cảnh hiện nay và những thay đổi mang tính bản chất cần đặt ra cho hệ thống giáo dục quốc dân?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Khi bàn về cải cách giáo dục hay đổi mới giáo dục, các nhà khoa học đều thống nhất rằng: cải cách giáo dục là quá trình tạo nên một giai đoạn phát triển mới về chất của nền giáo dục. Đây là sự thay đổi mang tính căn bản, sâu sắc và toàn diện đối với mô hình phát triển giáo dục – bao gồm các yếu tố như mục tiêu, nguyên lý hoạt động, cơ cấu hệ thống, nội dung chương trình, phương pháp, cách thức dạy – học, đào tạo – bồi dưỡng; đồng thời liên quan đến việc sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên cũng như phương thức quản lý nhà trường. Để thực hiện được điều đó, trước hết, cần phải có những thay đổi căn bản trong tư duy, quan điểm và chính sách giáo dục.

PV: Giáo sư lý giải ra sao về vai trò then chốt của giáo dục phổ thông đối với tiến trình cải cách và phát triển bền vững của toàn hệ thống giáo dục?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Đề cập đến giáo dục phổ thông trước tiên là bởi lĩnh vực này chạm tới nhiều nội dung cốt lõi liên quan đến triết lý giáo dục. Giáo dục phổ thông là giai đoạn có ảnh hưởng quyết định đến tiến trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Đây cũng chính là nền tảng của toàn bộ hệ thống giáo dục – nơi mà giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được từ giáo dục phổ thông. Hơn thế nữa, giáo dục phổ thông còn là nền móng thiết yếu cho việc học tập suốt đời, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

PV: Trong xu thế toàn cầu hóa và đổi mới sáng tạo, theo Giáo sư, việc tư duy lại triết lý giáo dục có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu phát triển con người và xã hội bền vững?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Khẳng định lại cách tiếp cận mới về giáo dục theo hướng nhân văn, phát triển con người bền vững là yêu cầu mang tính thời đại. Yếu tố quyết định hàng đầu để con người có thể phát triển bền vững nằm ở chỗ: con người cần được quy chiếu về một hệ giá trị khác – hệ giá trị góp phần làm giàu đời sống phi vật chất, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm xã hội cao hơn đối với cộng đồng và môi trường sống.

Tầm quan trọng bậc nhất của giáo dục, vì thế, là phải hướng đến mục tiêu “học để làm người”. Đó là sự hình thành và phát triển khả năng tôn trọng lẫn nhau trong đời sống xã hội, trong mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, cũng như trong cách con người đối diện với các khác biệt về tư tưởng, văn hóa. Chính điều này thể hiện rõ mục tiêu của giáo dục là nhằm tạo ra sự gắn kết và liên đới, chống lại mọi xu hướng loại trừ hoặc chia cắt trong xã hội.

PV: Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Giáo sư nhận định như thế nào về sự chuyển đổi của mô hình nhà trường truyền thống?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Theo tôi, nhà trường truyền thống hiện đang dần biến đổi, không còn là mô hình duy nhất để tổ chức hoạt động học tập. Trong thời đại kỹ thuật số, nhiều người cho rằng mô hình nhà trường truyền thống sẽ không còn tồn tại nữa, mà sẽ được thay thế bằng các cơ hội học tập linh hoạt hơn thông qua E-learning, học tập di động và nhiều hình thức công nghệ số khác.

Giáo dục 4.0 là một mô hình tái định nghĩa các khái niệm học tập, giáo viên và nhà trường theo những yêu cầu mới của nền công nghiệp 4.0. Mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom model) là một ví dụ điển hình cho những đổi mới về phương thức dạy và học trong bối cảnh giáo dục 4.0. Thực tế cho thấy, những không gian mới của giáo dục và học tập đang đặt ra những thách thức rõ rệt đối với mô hình trường học truyền thống.

PV: Để hiện thực hóa các khuyến nghị trong Kết luận 91, theo Giáo sư, đâu là định hướng cốt lõi trong việc hoàn thiện thể chế giáo dục quốc gia từ nền tảng triết lý nhân văn hiện đại?

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: Tôi cho rằng, chúng ta cần nhận thức lại vai trò của giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ đó, hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo trở thành giải pháp ưu tiên hàng đầu. Trọng tâm là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn hiện hữu. Trong đó, cần tích hợp các triết lý giáo dục theo hướng nhân văn, cập nhật với tinh thần của thời đại vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục, cũng như các quy định liên quan đến đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt và liên thông, đồng thời thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo. Để vượt qua những thách thức do yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, nhất thiết phải có tư duy triết học làm nền tảng cho sự hình thành chính sách giáo dục. Chính sách giáo dục phải dựa trên bản chất con người, mục đích chung của giáo dục và mục đích của xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư./.

Vân An

Bạn đang đọc bài viết Triết lý và chính sách giáo dục trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19