Những năm gần đây, tuyển sinh đại học chứng kiến sự đa dạng về phương thức và tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, sự linh hoạt này cũng kéo theo hệ lụy, đó là một số trường sử dụng tổ hợp môn không liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo. Thực trạng đó khiến dư luận lo ngại về tính đúng hướng trong phân luồng, chất lượng đào tạo và công bằng trong tuyển sinh đại học.
Bộ GDĐT yêu cầu cơ sở đào tạo phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của môn thi nền tảng
Quy định mới về điểm sàn môn thi nền tảng
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ GDĐT vừa ban hành văn bản số 2457/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng năm 2025. Trong đó, Bộ yêu cầu đối với việc xây dựng phương thức xét tuyển (tổ hợp, bài thi độc lập), các tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập dùng để xét tuyển phải được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và đảm bảo lựa chọn được thí sinh có kiến thức nền tảng cùng năng lực cốt lõi phù hợp với chương trình đào tạo. Cụ thể, trường hợp chương trình đào tạo đại học, cao đẳng yêu cầu kiến thức nền tảng ở một môn học nhất định thì cơ sở đào tạo cần phải quy định ngưỡng đầu vào đối với môn học đó để bảo đảm thí sinh đã được học môn học đó ở trung học phổ thông. Ví dụ, chương trình đào tạo ngành y khoa có yêu cầu kiến thức nền tảng là môn Sinh học thì cần quy định điều kiện về điểm môn Sinh học ở trung học phổ thông hoặc thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cơ sở đào tạo phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi (liên quan đến ngành học) mà thí sinh cần đạt trong tổng điểm bài thi. Ví dụ, khi xét tuyển ngành Toán học bằng bài thi đánh giá độc lập, cơ sở đào tạo cần quy định rõ tỷ lệ điểm phần Toán học trong bài thi. Trường hợp ngoại lệ, các yêu cầu trên có thể không áp dụng cho các ngành đào tạo ngôn ngữ mà người học bắt đầu từ trình độ cơ bản (ví dụ, học ngôn ngữ Pháp từ đầu). Tương tự, các ngành như Sư phạm Công nghệ hay Sư phạm Tin học cũng có thể có những điều chỉnh phù hợp.
Yêu cầu này nhằm đảm bảo tính chuyên môn trong xét tuyển đại học, tổ hợp cần phản ánh đúng kiến thức nền tảng của ngành. Bên cạnh đó, yêu cầu này sẽ góp phần tăng tính minh bạch và công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển. Nội dung được quy định trong hướng dẫn tuyển sinh sẽ là cơ sở pháp lý để các trường lựa chọn đúng đối tượng, tăng chất lượng đầu vào và giảm áp lực cho thí sinh khi phải lựa chọn giữa các khối thi và phương thức xét tuyển.
Tăng cường vai trò điều phối của Nhà nước
Trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, quy định về ngưỡng điểm tối thiểu nội dung cốt lõi ngành học thể hiện vai trò điều phối cần thiết của Nhà nước trong việc giữ vững giá trị học thuật. Các trường tự chủ trong tuyển sinh, chủ động xây dựng phương thức xét tuyển nhưng cần dựa trên nguyên tắc tối thiểu mà mọi phương thức phải đảm bảo, đó là sự phù hợp giữa đầu vào và đặc trưng ngành học. Trước đó, Bộ GDĐT đã nhận được phản ánh về việc một số cơ sở đào tạo ra thông báo tuyển sinh trong đó có sử dụng các tổ hợp không liên quan đến chương trình, ngành đào tạo. Ngày 9/4/2025, Bộ GDĐT có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng, yêu cầu rà soát tổ hợp và phương thức xét tuyển, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển. Việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học; riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng. Cơ sở đào tạo sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.
Một điểm đáng chú ý là quy định mới không chỉ áp dụng cho tổ hợp xét tuyển mà còn hướng tới các bài thi đánh giá độc lập. Nghĩa là khi sử dụng các bài đánh giá năng lực thì phần nội dung cốt lõi cũng phải được xác định và có ngưỡng điểm rõ ràng. Điều này tạo tiền đề để từng bước chuẩn hóa hệ thống đánh giá năng lực, góp phần chọn lọc đúng người học cho từng ngành.
Trong bối cảnh giáo dục đại học đang chịu nhiều sự chi phối từ thị trường, quy mô và yêu cầu chất lượng, việc Bộ GDĐT quy định về điểm tối thiểu phần nội dung cốt lõi sẽ góp phần nâng cao sự nghiêm túc, khoa học và công bằng trong toàn hệ thống tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Hà Giang