Đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng trên nền tảng số

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học năm 2025 đang có những bước tiến rõ rệt trong chuyển đổi số. Việc đăng ký dự thi, xét tuyển hoàn toàn trực tuyến, cùng hệ thống phần mềm hỗ trợ lựa chọn phương thức xét tuyển được Bộ GDĐT thực hiện tối ưu nhất cho học sinh.

Sau nhiều năm triển khai chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, năm 2025 đánh dấu bước chuyển lớn trong công tác thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ ở khâu xét tuyển mà còn trong việc xử lý dữ liệu, tích hợp và tối ưu phương thức tuyển sinh. Theo Bộ GDĐT, trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo trên hệ thống tuyển sinh chung về: thông tin tuyển sinh, nguyện vọng đăng ký xét tuyển, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, V-SAT (nếu có), điểm kết quả học tập cấp trung học phổ thông (đối với thí sinh đang học lớp 12 năm 2025), các minh chứng về ưu tiên và phần mềm xét…

Bộ GDĐT cũng lưu ý, hệ thống không xét tuyển thay cho trường đại học mà chỉ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường đại học khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường đại học gửi lên hệ thống. Hệ thống không điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà trường đại học đã xác định. Các trường đại học sẽ nhận được đầy đủ thông tin ưu tiên của thí sinh sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Các trường tổ chức xét tuyển không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh trái với quy định.

Để việc vận hành hệ thống đạt được hiệu quả tối ưu, Bộ GDĐT quán triệt các trường đại học phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường đại học là danh sách thí sinh được hệ thống gửi lại trường đại học sau khi xử lý nguyện vọng lần cuối. Các trường không được điều chỉnh danh sách này.

Từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã triển khai đăng ký xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến thống nhất toàn quốc. Tuy nhiên, năm 2025 tiếp tục đánh dấu một bước tiến quan trọng hơn khi tất cả các khâu từ đăng ký dự thi, xét tuyển đến lọc ảo đều được vận hành trên nền tảng số đồng bộ. Như vậy, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Các trường đại học có sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phần mềm phải xét tuyển tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh theo thông tin tuyển sinh đã công bố. Cách làm này giúp giảm đáng kể gánh nặng lựa chọn cho thí sinh. Trước đây, thí sinh sẽ phải hiểu rõ và tự cân nhắc các phương thức xét tuyển đại học. Việc tự tính điểm, so sánh và lựa chọn dễ dẫn tới sai sót hoặc lựa chọn phương thức không tối ưu. Năm nay, hệ thống tuyển sinh sẽ thực hiện nhiệm vụ này trên nguyên tắc lựa chọn phương thức có lợi nhất mà thí sinh đủ điều kiện xét tuyển.

Thí sinh chỉ cần đăng ký theo ngành, phần mềm sẽ lựa chọn phương thức xét tuyển có lợi nhất cho thí sinh

Không chỉ giúp thí sinh giảm tải áp lực, việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các trường đại học với hệ thống tuyển sinh chung còn tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo. Các trường đại học công bố đầy đủ thông tin về chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn từng phương thức lên hệ thống giúp phần mềm có thể vận hành chính xác. Đồng thời, toàn bộ quy trình xét tuyển, lọc ảo, xác nhận nhập học cũng được thực hiện tập trung, theo thời gian quy định, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Vai trò giám sát của công nghệ trong toàn bộ quá trình sẽ là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, tránh tiêu cực trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh cũng đặt ra một số thách thức. Một trong số đó là đảm bảo hạ tầng số đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. Do đó, sở GDĐT và các nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho học sinh được đăng ký thuận lợi nhất.

Việc ứng dụng công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và tuyển sinh đại học, cao đẳng là bước đi cần thiết trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục. Phần mềm xét tuyển trực tuyến trên nguyên tắc có lợi nhất cho thí sinh sẽ đem lại hiệu quả cao trong quản lý. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự tạo ra giá trị lâu dài, cần có sự đồng hành về thể chế, hạ tầng từ nhà nước, nhà trường và từ chính học sinh.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng trên nền tảng số tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn