Cần nhiều giải pháp để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi

Để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, cần đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính sách miễn học phí, bổ sung đội ngũ giáo viên đến tăng cường đầu tư cơ sở vật chất.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đây cũng là một trong những mục tiêu then chốt của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được thành tích trong phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, phổ cập cho trẻ từ 3-4 tuổi vẫn là thách thức lớn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trình bày tại Quốc hội sáng 22/5/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay còn gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa ra lớp, chủ yêu là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, theo đánh giá của Chính phủ. Vì vậy, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đén 5 tuổi nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục của bậc học này. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu trên, cần một hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ.

Miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non

Việc miễn học phí cho trẻ mầm non sẽ hỗ trợ tài chính cho các gia đình và thúc đẩy tỷ lệ trẻ đến trường. Theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nhà nước sẽ miễn, hỗ trợ học phí với trẻ mầm non 3-5 tuổi tại các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc đối tượng chính sách. Chính sách này phù hợp với định hướng phát triển giáo dục toàn diện, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho mọi công dân.

Ngoài quy định chung, hiện nay, đã có 10 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về hỗ trợ học phí mầm non, phổ thông năm học 2024-2025 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn. Chủ trương này góp phần đảm bảo an sinh, xã hội, giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có con đang theo học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên toàn quốc; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Bổ sung đội ngũ giáo viên

Theo Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội, dự kiến tổng biên chế giáo viên còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là 26.522 biên chế/65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu.

Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non thành công, cần khẩn trương tuyển dụng, bố trí giáo viên mầm non phù hợp với quy mô trường lớp, đồng thời có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ hợp lý để thu hút và giữ chân người làm nghề. Giải quyết tốt bài toán về nhân lực sẽ là cơ sở để chính sách đi vào thực tiễn.

Hiện, Dự thảo Luật Nhà giáo đang giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tham gia góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo, đa số đại biểu tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục. Lý giải điều này, các đại biểu cho rằng, ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Đảm bảo nguồn lực tài chính

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tốt quyết định chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Tuy nhiên, nhiều cơ sở mầm non hiện nay vẫn còn thiếu phòng học, thiếu thiết bị, đồ dùng, sân chơi và các điều kiện khác, đặc biệt là ở vùng khó khăn.

Theo dự thảo Nghị quyết, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là hơn 116.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng kinh phí chi đầu tư xây dựng trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định là 91.872,5 tỉ đồng. Bộ GDĐT dự kiến nguồn lực thi hành Nghị quyết từ ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục; nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đây là con số lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và chính quyền địa phương để phân bổ ngân sách hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là chủ trương đúng đắn, thực hiện công bằng xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn, cần có sự cam kết và đồng bộ từ chủ trương, thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, đặc biệt là giám sát thực thi một cách chặt chẽ từ địa phương.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Cần nhiều giải pháp để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn