Đổi mới tuyển sinh đầu cấp: Xóa ranh giới hành chính, lấy học sinh làm trung tâm

Việc Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) dự kiến bỏ phân tuyến tuyển sinh đầu cấp, không theo địa giới hành chính từ năm học 2026-2027 được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng chạy trường, chạy lớp vốn tồn tại nhiều năm qua.

Linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh diễn ra ngày 15/5/2025, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần có sự phân chia trách nhiệm giữa cấp sở và cấp xã nhưng không cứng nhắc. Dẫn số liệu thống kê (trên 3.300 đơn vị hành chính cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, 52.000 cơ sở giáo dục, 23,4 triệu học sinh), Bộ trưởng cho biết, tính bình quân mỗi xã có 7.000 học sinh, trong khi dự kiến có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã. Cũng liên quan đến việc tổ chức lại đơn vị hành chính, Bộ trưởng cho biết, dự kiến trong năm học 2026 - 2027, sẽ thực hiện nguyên tắc tuyển sinh các cấp không theo địa giới hành chính. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được đến cơ sở giáo dục gần nhất với nơi cư trú.

Quy định mới này không chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, mà còn hạn chế những hệ lụy phát sinh từ mô hình tuyển sinh cũ chịu ảnh hưởng bởi địa giới hành chính. Thực tế tại các đô thị lớn cho thấy, việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp theo địa giới hành chính đang tạo ra sự thiếu đồng đều trong giáo dục giữa các khu vực, một số khu vực có hiện tượng quá tải học sinh, trong khi nhiều trường ở khu vực khác lại rơi vào tình trạng thiếu học sinh, lãng phí cơ sở vật chất. Bài toán quy hoạch mạng lưới trường học, điều phối giáo viên, tổ chức lớp học hợp lý trở nên phức tạp, thiếu hiệu quả.

Tái cấu trúc quản lý và đổi mới mô hình phân cấp

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh giản bộ máy hành chính, việc chuyển trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cho chính quyền cấp xã quản lý, gắn trách nhiệm quản lý giáo dục phổ thông với chính quyền cấp xã sẽ giúp giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề địa phương, đồng thời tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý.

Từ đó, chủ trương phân tuyến theo địa giới hành chính và áp dụng nguyên tắc tuyển sinh gần nơi cư trú là bước đi tiếp theo. Khi thực hiện chủ trương này, việc tăng cường trường lớp tại các khu vực đông dân cư trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm giảm quá tải và tạo điều kiện cho học sinh được học tập thuận lợi tại môi trường gần nơi cư trú, thuận tiện đi lại, giảm áp lực giao thông và gia tăng sự gắn kết giữa nhà trường với cộng đồng dân cư. Đây cũng là bước đi quan trọng để tạo tiền đề triển khai hệ thống quản lý học sinh bằng mã định danh cá nhân, hướng đến nền giáo dục minh bạch, công bằng và thuận tiện hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong công tác quy hoạch xây dựng, trong đó cần xác định rõ: xây nhà cần đồng bộ với xây dựng trường học.

Học sinh tham gia Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025-2026 Trường THCS&THPT Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) (Ảnh: PV)

Việc tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc gần nhất với nơi cư trú đã được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS). Sau khoảng thời gian áp dụng, mô hình này được đánh giá cao vì hạn chế tiêu cực “chạy trường, chạy lớp” và phù hợp với xu hướng phổ cập giáo dục. Theo kế hoạch, từ năm học 2026 - 2027, Hà Nội sẽ áp dụng tuyển sinh bậc mầm non, lớp 1 và lớp 6 theo tiêu chí học sinh được học tại trường gần nơi cư trú. Theo Sở GDĐT Hà Nội, cách làm này không chỉ giúp học sinh tránh phải đi học xa, mà còn giảm thiểu tình trạng trái tuyến, nhất là tại các khu vực giáp ranh, nơi học sinh chỉ cách trường vài bước chân nhưng lại không được vào học vì ranh giới hành chính.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chính sách này, nhiều thách thức cần được nhận diện và chủ động giải quyết như: quy hoạch lại mạng lưới trường học; đảm bảo công bằng chất lượng giáo dục giữa các cơ sở giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ; tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội. Nếu thực hiện hiệu quả, chính sách tuyển sinh không theo địa giới hành chính không chỉ giải quyết tình trạng “chạy trường, chạy lớp” mà còn góp phần xây dựng một nền giáo dục phổ cập thực chất, giảm chi phí xã hội và gia tăng sự an toàn, thuận tiện cho học sinh.

Việc tuyển sinh theo khoảng cách địa lý cũng phù hợp với xu thế cá nhân hóa giáo dục, giúp các trường tăng cường gắn bó với cộng đồng dân cư quanh trường, tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, học tập tại địa phương một cách linh hoạt hơn.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới tuyển sinh đầu cấp: Xóa ranh giới hành chính, lấy học sinh làm trung tâm tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19