Gỡ “nút thắt” tuyển sinh trường nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trong bối cảnh chuyển đổi số, thị trường lao động có nhiều biến động đặt ra yêu cầu phân luồng mạnh mẽ trong giáo dục. Việc đổi mới trong tuyển sinh trường nghề không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Giáo dục nghề nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản, từ tâm lý xã hội đến cơ chế tuyển sinh thiếu đồng bộ, chưa thuận tiện cho người học. Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi hệ thống các trường nghề được chuyển về Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quản lý, cùng những cải cách mang tính chiến lược trong phân luồng và chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Giáo dục nghề nghiệp - Yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Theo báo cáo công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2024 của Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, tính đến tháng 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp. Kết quả công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng trên cả nước là 2.430.000 người, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên năm 2025 ngày 16/5/2025, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, trong thời gian gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vẫn còn những khó khăn trong nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ…

Việc chuyển trường nghề về Bộ GDĐT quản lý tạo cơ hội tích hợp tuyển sinh giữa các hệ thống đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trên cùng một nền tảng công nghệ và cơ chế điều phối. Năm 2025, các trường cao đẳng sẽ tham gia vào hệ thống tuyển sinh chung cùng giáo dục đại học nhằm mở rộng kênh thông tin tuyển sinh trên tinh thần tự nguyện và tuân thủ quy chế phối hợp vận hành hệ thống an toàn, hiệu quả. Việc tích hợp hệ thống tuyển sinh cho phép người học có cái nhìn toàn diện hơn về các lựa chọn nghề nghiệp và giáo dục phù hợp, đồng thời giúp các trường nghề tiếp cận nguồn học sinh tiềm năng ngay từ đầu quá trình phân luồng, định hướng. Đây là thay đổi mang tính đột phá, giúp loại bỏ tình trạng gián đoạn giữa các hệ đào tạo, qua đó nâng cao tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong tuyển sinh.

Cùng với cải cách cơ chế tuyển sinh, Chính phủ đã ban hành Dự thảo Nghị định quy định về công tác phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và đồng bộ hơn cho công tác này. Dự thảo Nghị đính sẽ giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn, góp phần giảm áp lực cho các trường đại học, tăng tỷ lệ học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao của xã hội. Về lâu dài, chính sách này sẽ gắn kết chặt chẽ hơn giáo dục và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối cung - cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thực tế tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mô hình đưa học sinh trung học cơ sở trải nghiệm tại trường nghề, doanh nghiệp đã có kết quả khả quan. Sự thay đổi trong nhận thức phụ huynh, học sinh về học nghề là yếu tố quyết định thành công trong phân luồng - hướng nghiệp. Tuy nhiên, để các trường nghề thực sự trở thành lựa chọn hấp dẫn, thì cần xây dựng lộ trình học - nghề - việc làm rõ ràng, xuyên suốt.

Kết nối chặt chẽ giữa giáo dục và thị trường lao động

Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều thay đổi bởi chuyển đổi số và yêu cầu kỹ năng mới, các trường nghề không thể chỉ giữ vai trò là nơi dạy kỹ thuật thuần túy. Thay vào đó, các trường nghề cần chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm phát triển kỹ năng, kết nối doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều trường cao đẳng đã triển khai mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng”, ký kết hợp tác với doanh nghiệp ngay từ đầu năm học.

Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động

Một trong những xu hướng nổi bật hiện nay là chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục nghề nghiệp. Việc áp dụng nền tảng số giúp đồng bộ dữ liệu tuyển sinh, học tập, đánh giá, chứng chỉ, đồng thời kết nối hiệu quả giữa nhà trường, người học và doanh nghiệp. Các mô hình “trường học thông minh”, “xưởng thực hành” đang được thí điểm tại một số trường nghề. Chuyển đổi số không chỉ giúp học viên tiếp cận công nghệ mới, mà còn giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá và tuyển dụng trực tiếp từ nguồn học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, dữ liệu số còn là công cụ hỗ trợ chính sách. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về kỹ năng, việc làm, ngành nghề thiếu hụt nhân lực, nếu được tích hợp với nền tảng giáo dục nghề nghiệp, sẽ giúp cơ quan quản lý điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo linh hoạt, sát thực tế.

Giáo dục nghề nghiệp đang dần trở thành lựa chọn phù hợp với nhiều người. Trong kỷ nguyên mới, trường nghề phải là nơi đào tạo thực chất - kết nối chặt chẽ - cập nhật nhanh. Để làm được điều này, cần một hệ sinh thái đồng bộ: chính sách minh bạch, phân luồng rõ ràng, tuyển sinh hiệu quả, chuyển đổi số toàn diện và liên kết doanh nghiệp sâu rộng, từng địa phương phải chủ động đổi mới tư duy, hành động hướng đến người học và thị trường lao động.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Gỡ “nút thắt” tuyển sinh trường nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19