Tiếp tục dồn toàn lực cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2025 đánh dấu sự đổi mới toàn diện về năng lực tổ chức thi, năng lực phối hợp giữa các cấp, ngành và khả năng thích ứng của học sinh trước những thay đổi từ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo dục phổ thông Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình. Với 2 chương trình cùng tồn tại - chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở thành kỳ thi đặc biệt khi lần đầu tổ chức với 2 bộ đề dành cho 2 nhóm thí sinh theo học 2 chương trình khác nhau. Điều này đặt ra thách thức lớn trong thiết kế đề thi, hướng dẫn ôn tập, tổ chức coi thi, chấm thi sao cho đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Ngày 29/4 vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động của Bộ cũng như các bộ, ban ngành liên quan trong công tác chuyển bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần “tuyệt đối không được chủ quan” và yêu cầu nhận diện rõ những điểm mới, khác biệt để có giải pháp điều hành phù hợp.

Thách thức tổ chức và trách nhiệm phân tầng

Việc ra đề thi theo hướng phân hóa, nhưng vẫn phải đảm bảo công bằng giữa hai nhóm thí sinh đặt ra yêu cầu khắt khe với đội ngũ ra đề, xây dựng đề thi và công tác truyền thông, tập huấn. Kỳ thi lại được tổ chức đúng thời điểm “giao thời” của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hàng năm.

Yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức kỳ thi là thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố. Để đảm bảo được những mục tiêu này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức kỳ thi này theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, phân định công việc rõ ràng.

Kỳ vọng vào một kỳ thi nghiêm túc, minh bạch và nhân văn

Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 7/10/2024 đã nêu rõ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp 2025. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật và hoàn thiện để ban hành một công điện mới của Thủ tướng Chính phủ. Đảng ủy Bộ GDĐT cũng cần có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo sát sao cho công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025. Công điện nêu rõ công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp; hơn 22 triệu trẻ em, học sinh đang chuẩn bị kết thúc năm học và sắp nghỉ hè. Bộ GDĐT tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi liên quan đến bảo đảm nhân lực, các điều kiện tổ chức kỳ thi được đầy đủ, kỹ lưỡng, đúng quy định. Kịp thời xử lý, tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi. Các Bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong việc phối hợp tổ chức kỳ thi bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương trong mọi trường hợp; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2025 về tăng cường công tác tổ chức kỳ thi. Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, các gia đình và các cơ sở giáo dục trong công tác tổ chức kỳ thi. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục phổ thông và phụ huynh học sinh quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ các các em học sinh thực hiện việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức tạo thuận lợi nhất cho các em học sinh về kiến thức, năng lực, thể chất, tinh thần để các em có tâm thế thoải mái, vững tin bước vào kỳ thi đạt kết quả cao nhất. 

Một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Huế… đã sớm ban hành kế hoạch chi tiết tổ chức kỳ thi, tăng cường truyền thông để học sinh hiểu rõ cấu trúc đề thi và định hướng ôn tập phù hợp với chương trình học. Đặc biệt, nhiều nơi đã tổ chức thi thử, đánh giá học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình mới nhằm rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các địa phương, vẫn còn những chênh lệch đáng kể về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên và mức độ làm quen của học sinh với dạng đề thi. Đây là điểm cần lưu ý trong công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố để đảm bảo tính công bằng, không gây áp lực dư thừa cho học sinh và giáo viên.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Từ chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, Bộ GDĐT đến thực tiễn chuẩn bị của các địa phương, có thể thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ là sự kiện đánh giá kết quả học tập, mà còn là bài kiểm tra tổng thể năng lực điều hành, sự phối hợp liên ngành và khả năng đổi mới giáo dục theo chiều sâu.

Không thể phủ nhận rằng, với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ coi thi, chấm thi và sự quan tâm của cả nước, kỳ thi này mang nhiều kỳ vọng về sự minh bạch, nghiêm túc. Chính vì vậy, mọi sai sót - dù nhỏ - đều có thể tạo ra hệ lụy lớn. Việc dồn toàn lực cho kỳ thi không chỉ là mệnh lệnh hành chính, mà còn là trách nhiệm chính trị và đạo đức của toàn ngành giáo dục và hệ thống chính quyền. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần giữ đúng tinh thần: là bước chuyển tiếp quan trọng trong hành trình học tập của học sinh, chứ không phải là “cuộc chiến” đầy căng thẳng và lo âu. Để làm được điều đó, không chỉ cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, mà còn cần lan tỏa tinh thần nhân văn, minh bạch, công bằng và đúng hướng từ các cấp quản lý giáo dục đến từng nhà trường, từng giáo viên, từng học sinh.

Hà Giang

 

 

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục dồn toàn lực cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19