Khen thưởng và kỷ luật là một phần không thể thiếu trong quản lý giáo dục nhà trường. Đây không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là phương thức nuôi dưỡng nhân cách, định hướng giá trị cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và yêu cầu mới của giáo dục hiện đại, các quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhiều điểm mới phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục
Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, với nhiều điểm mới nhằm khuyến khích học sinh rèn luyện, phát triển toàn diện, đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, nhân văn, phù hợp với tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc khen thưởng, kỷ luật dựa trên nguyên tắc chung là bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng trường, Hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh; thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Cụ thể về khen thưởng, nguyên tắc thực hiện bảo đảm công khai, khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời, đúng đối tượng và tương xứng giữa hình thức khen thưởng với thành tích đạt được. Tùy thuộc vào thành tích đạt được có thể tuyên dương, khen thưởng học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GDĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh hiện hành quy định 7 hình thức khen thưởng, còn tại dự thảo thông tư mới chỉ quy định 5 hình thức khen thưởng bao gồm: tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, giấy khen của hiệu trưởng, thư khen, hình thức tuyên dương, khen thưởng khác. Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, ngoài các hình thức tuyên dương, khen thưởng nêu trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với học sinh trong học tập, rèn luyện.
Về kỷ luật, thông tư hiện hành quy định 5 hình thức kỷ luật. Để cụ thể hơn, Dự thảo thông tư mới còn quy định cụ thể 3 mức độ vi phạm để xem xét kỷ luật gồm: các vi phạm có tác hại đến bản thân học sinh; vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi nhóm; vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi trường. Dự thảo cũng quy định các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ học bạ của học sinh. Còn theo quy định hiện hành, đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường và hình thức kỷ luật đuổi học một tuần lễ sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của sở GDĐT, ủy ban nhân dân các cấp. Bộ GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thông tư.
Tác động tích cực đối với mục tiêu giáo dục toàn diện
Việc điều chỉnh quy định về khen thưởng – kỷ luật học sinh thể hiện sự thay đổi trong nhận thức về quản lý giáo dục, phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thứ nhất, dự thảo quy định phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc khen thưởng - kỷ luật theo hướng toàn diện giúp học sinh được ghi nhận không chỉ qua điểm số mà còn qua hành vi đạo đức, hoạt động xã hội, sáng tạo, kỹ năng sống. Thứ hai, kỷ luật mang tính giáo dục sẽ hỗ trợ giúp học sinh phát triển năng lực tự quản lý, năng lực thích ứng. Đây là năng lực cần thiết trong xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, tích cực. Việc loại bỏ hình thức đuổi học giảm nguy cơ học sinh bỏ học, chuyển sang hành vi tiêu cực. Thay vào đó, học sinh có cơ hội sửa chữa, hoàn thiện nhân cách trong môi trường nhà trường - gia đình - xã hội phối hợp.
Thực tế, nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã chủ động triển khai một số hình thức khen thưởng và kỷ luật theo hướng tích cực như: xây dựng trường học hạnh phúc, mô hình “Góc khen thưởng” và “Sổ nhật ký việc tốt”… Những kinh nghiệm từ địa phương có thể là gợi ý giá trị cho quá trình áp dụng chính sách trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả, cần quan tâm đến việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện khen thưởng, kỷ luật. Nếu được vận dụng đúng, chính sách này sẽ tiếp thêm động lực để học sinh phát triển toàn diện, trở thành những công dân toàn cầu nhân văn và trách nhiệm.
Hà Giang