Giải bài toán thiếu giáo viên: Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đang là vấn đề cấp bách. Dù đã được giao gần 65.000 chỉ tiêu biên chế từ năm 2022, song đến nay, các địa phương mới tuyển dụng được khoảng 6.000 giáo viên. Con số này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ chính quyền các cấp.

Thực trạng và hệ lụy từ việc thiếu giáo viên

Năm học 2024-2025 đã qua hơn 1 học kỳ, nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn hiện hữu và gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) cho thấy, tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 120.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Con số này đã phản ánh về sự khó khăn trong tuyển dụng, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực giáo dục của nhiều địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh một số địa phương phải tăng quy mô trường, lớp để đáp ứng nhu cầu dân số tăng, hoặc sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính.

Việc thiếu giáo viên gây ra nhiều hệ lụy. Khi thiếu giáo viên, các lớp học buộc phải gộp lại, dẫn đến tăng sĩ số học sinh trong mỗi lớp học. Điều này khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc quan tâm, hỗ trợ từng học sinh một cách hiệu quả, giảm chất lượng giảng dạy và ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Thiếu giáo viên cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt các hoạt động ngoại khóa và hỗ trợ cá nhân. Điều này làm mất đi cơ hội phát triển kỹ năng mềm và ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của học sinh. Ngoài ra, các trường ở vùng kinh tế khó khăn lại càng thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng hơn. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội học tập giữa các khu vực, ảnh hưởng đến công bằng trong giáo dục. Từ những bất cập trên, có thể thấy rằng việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cần được coi là ưu tiên hàng đầu, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và ngành giáo dục, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đang là vấn đề cấp bách (Nguồn: Internet)

Trước thực trạng này, Bộ GDĐT đã có công văn gửi tới UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Tuy nhiên, tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước còn thiếu khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Các chính sách nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Để giải quyết trình trạng thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó, Bộ GDĐT nhấm mạnh không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên. Thứ hai, cần thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên như: Thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số… Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học từ năm học 2026-2027 đến năm học 2030-2031, báo cáo Bộ GDĐT. Thứ tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Một trong những giải pháp chiến lược để tăng nguồn cung giáo viên là thúc đẩy học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Đáp ứng yêu cầu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP (Nghị định 60) ngày 03/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 (Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo Nghị định, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong suốt quá trình học. Sau khi ra trường, người học phải cam kết công tác trong ngành giáo dục. Những quy định trong Nghị định không chỉ tạo điều kiện để người học yên tâm học tập, mà còn tăng tính ràng buộc giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đòi hỏi một chiến lược tổng thể, đa chiều và thực thi nghiêm túc từ trung ương tới địa phương. Địa phương cần tuyển dụng khẩn trương và linh hoạt hơn, có cơ chế đặc thù cho những vùng khó khăn. Đồng thời, ngân sách chi cho giáo dục cần có sự phân bổ hợp lý, hỗ trợ thêm cho các giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, có chính sách nhà ở, hỗ trợ đi lại, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ. Đặc biệt, để tạo nguồn tuyển cho sư phạm, cần đẩy mạnh truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, khuyến khích học sinh giỏi chọn ngành sư phạm, vận dụng tốt những chính sách của Nghị định 60/2025/NĐ-CP.

Khung chính sách hợp lý sẽ là cơ sở để các sở, ban, ngành tuyển dụng kịp thời, phân bổ hợp lý và giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là ở vùng khó khăn. Khi ngành giáo dục có đủ nhân lực sẽ góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu lớn của quốc gia về đổi mới giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán thiếu giáo viên: Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19