Ngày 13/5/2025, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ. Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn này sẽ được áp dụng tại các trường đại học tham gia đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, làm căn cứ để xây dựng, rà soát và chuẩn hóa chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra và khả năng thích ứng với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Vai trò của Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trong hệ sinh thái giáo dục hiện đại
Việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn là một bước đi thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là lấy người học làm trung tâm, đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Cụ thể, chuẩn chương trình định hướng mục tiêu đào tạo về vi mạch bán dẫn là đào tạo nguồn lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu; sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: Thiết kế và chế tạo vi mạch tích hợp; Thiết kế không xưởng; Gia công sản xuất vi mạch và Sản xuất thiết bị và công cụ. Người học được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hành để đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời có khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của công nghệ và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.
Chuẩn đầu vào của Chương trình đào tạo xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Những yêu cầu này nhằm bảo đảm người học có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Chuẩn chương trình đào tạo này cũng đặt chuẩn đầu ra về vi mạch bán dẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn đầu ra của Chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành/lĩnh vực/ ngành đào tạo tương ứng. Cơ sở đào tạo sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra với mức độ năng lực phù hợp với đặc thù của từng chương trình đào tạo, nhưng phải đáp ứng tối thiểu theo Thang trình độ năng lực Bloom tương ứng với từng trình độ đào tạo.
Việc đánh giá kết quả học tập không chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết mà còn bao gồm năng lực thực hành, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng và thái độ học tập của người học, nhằm phản ánh đầy đủ năng lực toàn diện. Đáng lưu ý, chuẩn chương trình đào tạo quy định cần đảm bảo ít nhất 3 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn là đối tác chiến lược tham gia xây dựng chương trình, đào tạo, tiếp nhận người học thực tập tại doanh nghiệp. Đây là nguyên tắc then chốt để nâng cao tính ứng dụng, giảm độ trễ giữa đào tạo - thị trường lao động, từng bước xây dựng mô hình giáo dục mở, linh hoạt, hiện đại.
Thực tiễn triển khai tại một số trường đại học
Ngay từ trước khi Bộ GDĐT ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn chính thức, một số trường đại học đã chủ động triển khai đào tạo ngành bán dẫn theo hướng tiếp cận quốc tế. Đại học Bách khoa Hà Nội mở hệ kỹ sư chuyên sâu về Thiết kế vi mạch, thông qua sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là một trong số các trường đại học có đủ chương trình đào tạo định hướng bán dẫn và vi mạch. Trường ký kết thỏa thuận hợp tác với một số tập đoàn, mang lại cơ hội lớn trong việc triển khai đào tạo, nghiên cứu tiếp cận chuẩn quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu. Một số đại học vùng như Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nha Trang… đã bắt đầu xây dựng học phần bán dẫn trong chương trình kỹ thuật điện tử - tự động hóa.
Các sản phẩm thiết kế và chế tạo dựa trên công nghệ bán dẫn được phát triển bởi giảng viên và sinh viên của các nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) (Nguồn: website nhà trường)
Tuy nhiên, trước khi có Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, nội dung đào tạo của các trường còn chưa có tính thống nhất và đồng bộ. Việc ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT giúp thống nhất khung chất lượng, tạo cơ sở để xây dựng mạng lưới đào tạo ngành bán dẫn ở quy mô quốc gia.
Hiện nay, đào tạo ngành bán dẫn còn đối mặt với một số thách thức về việc thiếu giảng viên chất lượng cao; chi phí đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm thiết kết vi mạch; đặc biệt là liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - viện nghiên cứu còn hạn chế, cần có chính sách thúc đẩy hiệu quả mô hình hợp tác ba bên.
Việc ban hành Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn thể hiện bước chuyển đổi mang tính hệ thống trong giáo dục đại học, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn - ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là minh chứng cho việc giáo dục cần đi trước để dẫn dắt đổi mới công nghệ.
Nếu được tổ chức triển khai hiệu quả, Việt Nam sẽ hình thành một hệ sinh thái đào tạo - nghiên cứu - sản xuất bán dẫn, góp phần đưa đất nước trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Hà Giang