Giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo

Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản cách con người học tập, làm việc và giao tiếp. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu giáo dục quyền con người phải đổi mới về nội dung, phương pháp và công cụ để thích ứng với một thế giới số hóa.

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật… tạo ra cơ hội chưa từng có cho sự phát triển nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về đạo đức, pháp lý và đặc biệt là quyền con người. Nhiều chuyên gia nhận định, công nghệ có thể làm gia tăng khoảng cách quyền lực giữa người kiểm soát và người bị kiểm soát. Do đó, giáo dục quyền con người phải chuyển mình để giúp thế hệ trẻ có khả năng tự bảo vệ trong môi trường số, hiểu rõ quyền của mình, đồng thời hành xử có trách nhiệm với cộng đồng.

Kết hợp giữa giáo dục nhà trường và truyền thông xã hội

Sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đảm bảo quyền con người. Người học ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận tri thức toàn cầu thông qua Internet. Người khuyết tật được hỗ trợ học tập bằng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói, dịch ngôn ngữ ký hiệu… Học sinh, sinh viên có thể thông qua mạng xã hội để bày tỏ chính kiến, vận động cho các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, không thể không đề cập đến một số mặt trái như việc vi phạm quyền riêng tư; tin giả và khả năng học sinh, sinh viên bị dẫn dắt, gây hiểu sai về quyền, nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, giáo dục quyền con người trong thời đại số không chỉ dừng lại ở việc giáo dục học sinh, sinh viên “hiểu quyền”, mà cần trao cho thế hệ trẻ năng lực kỹ thuật số, tư duy phản biện, kỹ năng thực tế.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng chiến lược giáo dục trong kỷ nguyên số gắn với các giá trị nhân quyền. ThS Trần Phương Mai – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chỉ ra một số chương trình giáo dục quyền con người tại các quốc gia khác nhau. Có thể kể đến một số nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan trong việc đưa nội dung về quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em vào các chương trình học phổ thông và đại học. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục nhân quyền không chỉ được tổ chức trong nhà trường mà còn được tổ chức ngoài phạm vi nhà trường như: thông qua các phương tiện truyền thông, các tổ chức phi chính phủ… Một số quốc gia khác cũng thành lập những cơ quan nhân quyền, có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục quyền con người. Trong hệ thống giáo dục chính quy, Indonesia đã lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người vào môn Giáo dục công dân. Tại Philippines, chương trình giáo dục về quyền con người cũng đã được triển khai ở bậc tiểu học và các trường phổ thông, thông qua các hội thảo, hội nghị và các chiến dịch nhằm thúc đẩy giáo dục về nhân quyền. Tại Thái Lan, giáo dục quyền con người chủ yếu được đưa vào chương trình bậc phổ thông và đại học, trong các nhóm môn học về xã hội, tôn giáo và văn hóa.

Thực tế giáo dục Việt Nam và ứng dụng phương pháp học tập tích cực trong giáo dục quyền con người

Nhìn lại thực tiễn tại Việt Nam, giáo dục quyền con người hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hình thức truyền đạt một chiều, trong đó giáo viên, giảng viên giữ vai trò trung tâm và người học tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, Cách tiếp cận này thường tập trung vào việc giảng giải các văn kiện pháp lý, công ước quốc tế và nguyên tắc quyền con người theo hướng lý thuyết mà thiếu đi sự kết nối với thực tiễn. Điều này dẫn đến một số hạn chế như thiếu sự tham gia chủ động của người học, ít khuyến khích tư duy sáng tạo…

Bàn về việc đổi mới phương pháp và công cụ giảng dạy quyền con người, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu - Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chỉ ra một số mô hình ứng dụng công nghệ và nghệ thuật. Trong đó, thực tế ảo và thực tế tăng cường; học tập qua trò chơi, ví dụ trong chơi “Against All Odds” do Cao ủy Liên hợp quốc tế về Người tị nạn phát triển giúp người chơi trải nghiệm hành trình của một người tị nạn từ khi chạy trốn đến lúc tái định cư. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được ứng dụng trong phân tích nhân quyền. Một số hệ thống AI có thể phân tích dữ liệu nhân quyền, giúp sinh viên tiếp cận các báo cáo và nghiên cứu một cách có hệ thống hơn. Ngoài việc ứng dụng công nghệ, nghệ thuật cũng được ứng dụng trong giáo dục thông qua điện ảnh và phim tài liệu; biểu diễn sân khấu; văn học và âm nhạc. GS Nguyễn Quốc Sửu cũng khẳng định việc ứng dụng các mô hình học tập tích cực, sáng tạo trong giáo dục quyền con người giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, khuyến khích sự tham gia chủ động của người học và tạo cơ hội để họ áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Các phương pháp này không chỉ truyền đạt nội dung một cách hiệu quả mà còn góp phần hình thành tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm xã hội.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy giúp người học tăng sự chủ động trong tiếp thu kiến thức

Các phương pháp giảng dạy mới như học tập thông qua AI; học tập thông qua nghệ thuật; học tập dựa trên tình huống, dự án, trải nghiệm… đem lại một số hiệu quả tiêu biểu. Thứ nhất là tăng sự chủ động và động lực cho người học. Khi đối mặt với các tình huống thực tế về nhân quyền, học sinh, sinh viên buộc phải tìm hiểu, phân tích và đề xuất giải pháp thay vì chỉ nghe giảng một các thụ động. Thứ hai là nâng cao tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế, giúp người học đánh giá các vấn đề nhân quyền một cách khách quan và đưa ra những lập luận chặt chẽ dựa trên bằng chứng. Thứ ba, học tập tích cực không chỉ giúp người học nâng cao kiến thức mà còn cải thiện các kỹ năng mềm quan trọng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng, mặc dù các mô hình học tập sáng tạo mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục quyền con người, nhưng việc triển khai vẫn gặp một số rào cản về học thuật, thể chế, xã hội dẫn đến khó khăn cho cả giảng viên và người học.

Một số giải pháp để thích ứng với đổi mới giáo dục

Tại Hội thảo khoa học Giáo dục Quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra vào ngày 12/5/2025, các chuyên gia đã thảo luận và đề ra một số giải pháp để cải thiện hiệu quả giáo dục quyền con người trong bối cảnh số hóa. Thứ nhất, cần xây dựng chương trình đào tạo giảng viên về phương pháp học tập tích cực. Việc áp dụng các mô hình học tập tích cực đòi hỏi giảng viên không chỉ vững chuyên môn mà còn cần kỹ năng giảng dạy phù hợp. Thứ hai, cần phát triển tài nguyên giảng dạy và mở các khóa học trực tuyến. Việc tạo ra nguồn tài liệu giảng dạy mở và cung cấp các khóa học trực tuyến sẽ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người dạy và người học trên toàn cầu. Thứ ba, tích hợp giáo dục quyền con người vào nhiều môn học khác nhau. Thay vì chỉ giảng dạy quyền con người như một môn học độc lập, việc lồng ghép nội dung này vào các môn học khác sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tính liên ngành của nhân quyền.

Việc đổi mới phương pháp giáo dục không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn góp phần đào tạo một thế hệ công dân có ý thức nhân quyền sâu sắc, sẵn sàng bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ, công bằng trong xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, giáo dục quyền con người cần tiếp tục được cải tiến và mở rộng để đảm bảo rằng mọi cá nhân đều có cơ hội học tập và thực hành các nguyên tắc nhân quyền trong đời sống thực tiễn.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục quyền con người trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn