Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn
Các văn bản pháp lý như Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục 2019 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều khẳng định: Mọi công dân đều có quyền được giáo dục, không bị phân biệt đối xử, được tạo điều kiện học tập suốt đời. Tuy nhiên, giữa các văn bản pháp lý và thực tiễn xã hội vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể, đặc biệt với các nhóm yếu thế như: trẻ em ở vùng sâu vùng xa, trẻ em gái dân tộc thiểu số, người khuyết tật, học sinh nghèo…
Tại Việt Nam, những rào cản tiếp cận giáo dục vẫn đang tồn tại. Trình bày nguyên nhân về vấn đề này tại Hội thảo khoa học quốc gia về Giáo dục Quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ngày 12/5/2025, PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chỉ ra một số khó khăn như sau: Thứ nhất, thách thức đến từ sự khác biệt về điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các vùng miền. Việt Nam là một quốc gia đa dạng với nhiều vùng miền khác nhau, mỗi vùng có những điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội đặc trưng. Trong khi những tỉnh thành lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nền tảng kinh tế phát triển, nguồn lực giáo dục dồi dào, thì các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên lại gặp khó khăn về điều kiện học tập. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo có sự khác biệt giữa các vùng. Điều kiện chênh lệch về kinh tế khác nhau giữa các vùng dẫn đến việc tiếp cận các điều kiện y tế và giáo dục cũng có sự khác biệt. Thứ hai, văn hóa cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục. Các nhóm dân tộc thiểu số thường thiếu điều kiện tiếp cận thông tin và giáo dục do rào cản về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Bên cạnh đó, điều kiện xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Ở những vùng nông thôn, sự phân bố không đồng đều giữa các trường học dẫn đến việc học sinh khó tiếp cận học tập. Sự thiếu hụt cơ sở vật chất, thiết bị học tập và đội ngũ giáo viên có chất lượng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền.
3 trụ cột quan trọng trong giáo dục quyền con người
PGS.TS Đỗ Hồng Cường cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp để xây dựng nền giáo dục nhân văn gắn với quyền con người trong kỷ nguyên số là đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp xây dựng một xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững. Việc đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn cần sự đồng lòng của toàn xã hội.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững (Nguồn: Internet)
Bàn về bình đẳng trong giáo dục nói riêng và quyền con người nói chung, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra 3 trụ cột chính để nâng cao giáo dục quyền con người cũng như đảm bảo bình đẳng trong giáo dục là: Gia đình - Nhà trường - Cộng đồng. Trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên. Những giá trị như bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt và tinh thần trách nhiệm đều được hun đúc từ trong gia đình, Một môi trường gia đình lành mạnh, nơi cha mẹ coi trọng quyền của con cái và thực hành đối thoại dân chủ, sẽ giúp trẻ phát triển nhận thức đúng đắn về quyền con người. Để phát huy hiệu quả giáo dục quyền con người cũng như đảm bảo công bằng giáo dục, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt. Gia đình có thể tham gia vào các hoạt động của nhà trường, theo dõi và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh. Đặc biệt, cần thiết lập kênh liên lạc giữa gia đình và nhà trường. Một hệ thống liên lạc chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên giúp đảm bảo rằng các vấn đề liên quan đến quyền con người của học sinh như: bạo lực học đường, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử,… được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Về phía nhà trường, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”, sau 7 năm thực hiện, đến nay, giáo dục quyền con người, đặc biệt là đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu, từ việc phát triển chương trình đào tạo, biên soạn tài liệu giảng dạy, tập huấn giáo viên, đến công tác hợp tác quốc tế. Những kết quả này không chỉ nâng cao hiểu biết của con người trong hệ thống giáo dục quốc dân mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong khi đó, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường giáo dục, thúc đẩy giáo dục quyền con người cho học sinh, góp phần hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người cho những người trẻ. Thông qua các hoạt động cộng đồng, học sinh được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác phù hợp với các điều kiện văn hóa, xã hội và phát triển ý thức trách nhiệm đối với xã hội, từ đó hình thành thái độ tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Một môi trường giáo dục tốt không chỉ đảm bảo về mặt học thuật mà còn cần tạo ra không gian sống an toàn, lành mạnh cho học sinh. Cộng đồng có trách nhiệm trong việc chống bạo lực học đường; bảo vệ quyền trẻ em; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, đặc biệt là học sinh khuyết tật, học sinh nghèo.
Có thể thấy, mọi giải pháp chính sách, mọi chương trình hành động đều cần đặt trong mối quan hệ tương tác giữa: Gia đình - Nhà trường - Cộng đồng. Khi có sự đồng hành của 3 trụ cột trên, quá trình bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đến bình đẳng trong thực hành quyền con người mới thực sự đi vào cuộc sống.
Hà Giang