Giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa và hội nhập sâu rộng, việc lồng ghép và triển khai hiệu quả giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục Việt Nam đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cơ sở pháp lý và thực tiễn triển khai

Giáo dục quyền con người được hiểu là một quá trình trang bị kiến thức kỹ năng và thái độ để cá nhân và cộng đồng hiểu, thực hiện và tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, giáo dục quyền con người đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và một quốc gia hùng cường. Đảng và Nhà nước ta có sự quan tâm đặc biệt với vấn đề này, được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp lý liên quan. Quyết định số 1309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đã thể hiện rõ mục tiêu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác.

Hiện nay, các nội dung về quyền công dân, quyền trẻ em đã có trong một số môn học ở bậc phổ thông như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế pháp luật, Giáo dục quốc phòng an ninh… và được tích hợp trong các môn học, hoạt động giáo dục khác. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương tình giáo dục ở các cấp học với cách thức phù hợp giúp học sinh nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, tôn trọng quyền và tự do của người khác, tự giác tuân thủ pháp luật và hướng tới xây dựng nền văn hóa quyền con người toàn cầu. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng chú trọng giáo dục quyền con người nhằm tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.

Một số trường phổ thông đã áp dụng các giải pháp xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt coi trọng quyền con người. Tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nội dung về giáo dục nhân quyền chủ yếu được giảng dạy ở bộ môn Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, nhưng chưa có một môn học riêng/một hệ thống kiến thức xuyên suốt, thống nhất dành cho học sinh ở các khối lớp. Vì vậy, việc giáo dục về quyền con người trong các tiết học chủ yếu do sự chủ động, sáng tạo của từng giáo viên. Ngoài ra, đại diện trường nhấn mạnh, để có ý thức về quyền con người, bản thân học sinh cũng cần phải được tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng. Do đó, nhà trường luôn chủ trương “tất cả vì quyền lợi học sinh”, nâng cao nhận thức về quyền con người thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung gần gũi, thiết thực.

Một số trường phổ thông đã áp dụng các giải pháp xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt coi trọng quyền con người

Bàn về giáo dục quyền con người ở bậc đại học và sau đại học, TS. Lê Quốc Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nội dung giáo dục quyền con người được đề cập trong các môn học có liên quan như: Lý luận nhà nước và pháp luật, Hiến pháp, Luật hình sự, dân sự hành chính. Một số trường có môn học về quyền con người như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Luật Hà Nội. Hiện tại, một số trường đã mở ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về quyền con người. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức về quyền con người, các cơ sở giáo dục còn tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người thông qua các hoạt động ngoại khóa như: tham quan bảo tàng lịch sử truyền thống, các di tích lịch sử; tổ chức hoạt động về nguồn, báo công dâng Bác; phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện hè; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về chủ đề quyền con người.

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy giáo dục quyền con người

Có thể thấy, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, công tác giáo dục quyền con người đã được triển khai đến các cấp học trong hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông, bậc đại học và sau đại học; bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế rằng, quá trình triển khai giáo dục quyền con người vẫn gặp phải một số rào cản. Tại Hội thảo khoa học quốc gia về Giáo dục Quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra vào ngày 12/5/2025 tại Học viện Cảnh sát nhân dân, các đại biểu đã thảo luận và chỉ ra một số khó khăn trong việc triển khai giáo dục quyền con người như: chương trình đào tạo chưa thống nhất và bài bản; giáo viên chưa được đào tạo đúng chuyên môn; nội dung dạy học còn nặng về lý thuyết, chưa gắn với bối cảnh Việt Nam và đời sống thực tế…

Những rào cản trên đặt ra yêu cầu giải pháp để biến giáo dục quyền con người thành một thành tố cốt lõi trong đào tạo công dân toàn diện. Một trong những kiến nghị được các đại biểu đưa ra là gắn giáo dục nhân văn với quyền con người. Theo PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: “Xây dựng nền giáo dục nhân văn gắn với quyền con người là điều kiện tiên quyết để phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số”. Giáo dục quyền con người khi được đặt đúng vị trí sẽ đem lại nền tảng giáo dục tốt, kiến tạo một thế hệ công dân sống có trách nhiệm, biết hành động vì cộng đồng quốc gia và nhân loại.

PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Giáo dục quyền con người là bước đi tất yếu để xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và đào tạo là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục triển khai thực tiễn. Tuy nhiên, để giáo dục quyền con người thực sự bén rễ và lan tỏa, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố: chính sách - đội ngũ - nội dung - phương pháp. Giáo dục quyền con người không chỉ là yêu cầu chính trị - pháp lý, mà còn là trách nhiệm đạo đức - xã hội, từ đó góp phần giáo dục, hình thành một thế hệ công dân toàn diện, sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.

Hà Giang

 

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục Việt Nam tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn