Một buổi tập huấn PCCC, CNCH(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Thực tế cho thấy, nhiều trường học, cơ sở giáo dục đặc biệt là trường vùng sâu vùng xa, trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về cháy nổ do hệ thống điện cũ kỹ, việc sử dụng thiết bị điện không đảm bảo, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thiết bị PCCC hoặc do ý thức phòng cháy của một bộ phận cán bộ, giáo viên, học sinh còn hạn chế. Một số vụ cháy tại các khu tập thể, nhà lưu trú học sinh – sinh viên hay các phòng thí nghiệm đã từng xảy ra, để lại hậu quả nặng nề. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trong nhà trường.
Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy trong trường học đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Theo báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị công bố kết quả kiểm tra của Bộ Công an kiểm tra công tác PCCC và CNCH trong ngành giáo dục đã chỉ đạo và tổ chức quán triệt triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo về công tác PCCC, CNCH trong các quy định hướng dẫn và chương trình công tác của ngành Giáo dục, lồng ghép vào việc quán triệt Chỉ thị 47-CT/TW trong chương trình công tác và các buổi sinh hoạt chi bộ cấp ủy. Cụ thể, từ năm 2017, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an ban hành chương trình phối hợp về tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức kĩ năng về PCCC, CNCH trong các cơ sở giáo dục. Năm 2020, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực hiện chính sách pháp luật về PCCC. Năm 2022, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Năm 2023, Bộ GDĐT đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và ban hành Công văn 5826/BGDĐT-CTHSSV năm 2023 tăng cường công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng đã ban hành bộ tài liệu trang bị kiến thức kĩ năng về PCCC, CNCH cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở GDMN, tiểu học, THCS THPT. Bộ tài liệu bao gồm 1 cuốn dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, 1 cuốn cho trẻ mẫu giáo, 5 cuốn dành cho học sinh tiểu học, 1 cuốn dành cho học sinh THCS và THPT; Tổ chức tập huấn triển khai trang bị kiến thức kĩ năng PCCC CNCH cho học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục theo kế hoạch với 3 đợt tập huấn tại các khu vực Bắc Trung Nam.
Nhờ đó, trong những năm qua, ngành giáo dục đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Nhiều trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch PCCC và CNCH hàng năm. Ban giám hiệu và cán bộ phụ trách an toàn trường học thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc chỉ đạo và triển khai các nội dung liên quan. Bên cạnh đó các trường học, cơ sở giáo dục đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị PCCC. Hầu hết các cơ sở giáo dục đã trang bị bình chữa cháy, thiết bị báo cháy, đèn thoát hiểm, sơ đồ thoát nạn. Một số trường học mới xây dựng được thiết kế đúng quy chuẩn PCCC theo quy định hiện hành. Công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được tăng cường, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng PCCC & CHCN được tổ chức qua tiết học ngoại khóa, chuyên đề, diễn tập phối hợp với lực lượng công an PCCC. Học sinh, sinh viên ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm, thoát hiểm, gọi cứu nạn… Các nhà trường đã có mối liên hệ phối kết hợp chặt chẽ hơn với Cảnh sát PCCC, tổ chức kiểm tra định kỳ, diễn tập thoát nạn, huấn luyện kỹ năng cứu hộ.
Đảm bảo an toàn PCCC và CNCH hiện nay không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là tiêu chí đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục. Vì thế, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cần chủ động nâng cao nhận thức và hành động vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng. Việc làm tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng một môi trường học đường an toàn, hạnh phúc và phát triển bền vững.
|
Trịnh Thu