Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang chuyển mình theo hướng lấy người học làm trung tâm, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã trở thành một yêu cầu cần thiết. Mới đây, tại buổi làm việc ngày 18/4/2025 với Chính phủ và các ban, bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư Tô Lâm thống nhất chủ trường các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi mỗi ngày, tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Nhà trường không được thu phí dạy 2 buổi mỗi ngày, đồng thời tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật, giảm áp lực, đảm bảo học sinh phát triển toàn diện. Tổng Bí thư giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, bộ, ngành liên quan, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi mỗi ngày, nâng cao chất lượng giáo dục, Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026.
Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh (Nguồn: Internet)
Trên thực tế, nhiều địa phương đã tiên phong triển khai hình thức dạy học 2 buổi/ngày từ nhiều năm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kể từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đều được triển khai ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên ở cấp trung học cơ sở, việc thực hiện phụ thuộc lớn vào điều kiện thực tế và sự chủ động của mỗi địa phương. Thời gian qua, một số tỉnh thành đã tích cực triển khai việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần ở cấp trung học cơ sở với quy mô khác nhau như: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Hầu hết các tỉnh này đều không thu thêm học phí của học sinh khi chuyển sang mô hình dạy học 2 buổi/ngày. Việc triển khai thực hiện có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ và quản lý, mô hình dạy học 2 buổi/ngày hiện tại không chỉ khả thi mà còn đem lại những thay đổi rõ rệt trong chất lượng giáo dục toàn diện. Ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa sẽ đảm bảo kinh phỉ tổ chức dạy học, tạo điều kiện cho tất cả học sinh đều được tiếp cận một cách công bằng.
Nền tảng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Việc tổ chức học 2 buổi/ ngày cho phép nhà trường cơ cấu lại chương trình học tập, giảm áp lực thi cử, tăng thời lượng cho các môn năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống. Đây là những nội dung trọng tâm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai, mục tiêu lớn là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Việc tổ chức học hai buổi/ngày giúp thực hiện hóa các yêu cầu mới này một cách thuận lợi hơn.
Tính đến tháng 8/2024, cả nước có khoảng hơn 25 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, số học sinh phổ thông là hơn 23 triệu em. Hiện, việc dạy học 2 buổi mỗi ngày là bắt buộc với cấp tiểu học và khuyến khích ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Để triển khai hiệu quả chủ trương này, cần nhìn nhận một số thách thức còn tồn tại. Về cơ sở vật chất, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu trường lớp, phòng học bộ môn, trang thiết bị tối thiểu để tổ chức 2 buổi học. Để dạy học 2 buổi/ngày cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Do vậy, cần có chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng, chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên, đồng thời tăng cường tuyển dụng giáo viên dạy các môn nghệ thuật, kỹ năng sống. Để không thu phí học sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng, ngân sách nhà nước cần bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên cho các trường, khuyến khích xã hội hóa trên nguyên tắc tự nguyên, công khai, minh bạch. Các trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tránh hình thức hoặc quá tải cho học sinh.
Triển khai dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở là bước đi thể hiện tầm nhìn dài hạn về phát triển nguồn nhân lực tương lai, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, nhân văn, hiện đại.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Chính phủ (2025). Thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy, học. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thong-bao-ket-luan-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-chuan-bi-nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-dot-pha-giao-duc-dao-tao-va-mot-so-chu-truong-ho-tro-day-va-hoc-119250507083320106.htm