Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo, năm 2025, cả nước có trên 1,1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử nhiều nhất là 499.357 em, tiếp đến là môn Địa lý có 494.081 em lựa chọn, chiếm tỷ lệ lần lượt là 42,9% và 42,5% tổng số thí sinh. Trong khi đó, các môn học thuộc khối khoa học tự nhiên có số lượng thí sinh lựa chọn thấp hơn đáng kể.
Sự chênh lệch này phản ánh xu hướng lựa chọn môn thi của học sinh, đồng thời còn là tín hiệu đáng lưu ý về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM. Nếu không có giải pháp kịp thời và hiệu quả, tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch nguồn nhân lực đối với các ngành nghề STEM. Hiện tại, việc giảng dạy STEM trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam đang được đẩy mạnh tích hợp vào môn học chính, thay vì chủ yếu được tổ chức qua các hoạt động ngoại khóa như trước đây. Giáo viên STEM tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản và đầy đủ để áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và khả năng phát triển tư duy sáng tạo của học sinh. Cơ sở vật chất một số nơi chưa đáp ứng được trang thiết bị để triển khai các hoạt động STEM, dẫn đến hạn chế trong việc cung cấp môi trường học tập lý tưởng cho học sinh. Những nguyên nhân trên đặt ra yêu cầu cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ và đủ mạnh.
Học sinh trong tiết học giáo dục STEM (Nguồn: Phòng Giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng)
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy giáo dục STEM. Nổi bật là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong đó xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự thành công và điều kiện tiên quyết để Việt Nam vươn lên thành quốc gia giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hệ thống và hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển mạng lưới giáo dục, tập trung đào tạo nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Việc xây dựng Quyết định nhằm mục đích hỗ trợ học sinh, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành STEM yên tâm học tập, cống hiến, đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành STEM để đóng góp vào mục tiêu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việc ban hành đồng bộ các chính sách cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy giáo dục lĩnh vực STEM. Tuy nhiên, để thực hiện hóa những mục tiêu của chính sách còn phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện và sự đồng thuận, chung tay của các cấp chính quyền và của toàn xã hội. Trước hết, việc đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa phòng thí nghiệm, trang thiết bị giảng dạy STEM là điều kiện bắt buộc nếu muốn nâng cao chất lượng dạy học. Song song với đó, đội ngũ giáo viên chính là nhân tố then chốt. Việc đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên phải được tiến hành thường xuyên, gắn với thực tiễn. Đặc biệt, giáo dục STEM không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn thông qua các dự án học tập, cuộc thi nghiên cứu khoa học. Điều này giúp các môn khoa học tự nhiên có cơ sở ứng dụng vào thực tế, giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội hiện đại.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia chú trọng việc đặt giáo dục STEM làm trọng tâm chiến lược phát triển nhân lực. Singapore có hệ thống giáo dục STEM hoàn chỉnh, trong đó học sinh được tiếp cận với các phòng thí nghiệm hiện đại, chương trình giảng dạy linh hoạt và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Malaysia cũng có những bước tiến đáng kể khi tích hợp giáo dục STEM với nghệ thuật, giúp học sinh tiếp cận khoa học theo cách sáng tạo hơn. Indonesia cũng đang cải cách chương trình giáo dục để tăng cường STEM, nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đào tạo giáo viên. Điểm chung ở các quốc gia này là sự nhất quán trong chính sách, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể và môi trường học tập phong phú giúp học sinh phát huy tối đa năng lực.
Có thể thấy, giáo dục STEM đã trở thành đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Với Việt Nam, việc sớm nhận diện những khoảng trống trong lựa chọn ngành nghề của học sinh, nhất là nhóm ngành STEM, là bước đi cần thiết để chủ động điều chỉnh chính sách nhân lực dài hạn.
Những nỗ lực về thể chế, chính sách đã đặt ra cho giáo dục STEM một hành lang pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, điều quyết định thành công vẫn nằm ở sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường, gia đình đến doanh nghiệp và toàn xã hội. Việc đầu tư cho giáo dục STEM cần xây dựng thành chiến lược lâu dài, có lộ trình rõ ràng và nguồn lực bảo đảm.
Hà Giang