Trường học được coi là một trong những nơi an toàn đối với học sinh, đảm bảo về thể chất và tinh thần, tâm lý. Tuy nhiên, những năm gần đây, những vụ việc liên quan đến tai nạn thương tích, bạo lực học đường, đuối nước, mất an toàn giao thông… khiến dư luận lo lắng về công tác an toàn trong trường học.
Thực tế, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Nguyên tắc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng; phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh. Để thực hiện được nguyên tắc này, cần bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường. Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp. Nhà trường cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của các chất kích thích. Bên cạnh đó, công tác tư vấn tâm lý cho người học và công tác xã hội trong nhà trường cũng cần được chú trọng.
Đây cũng là cơ sở để các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao an toàn trường học. Tại Hà Nội, 100% trường học đã hoàn thành tự đánh giá mức độ an toàn trường học theo các tiêu chí quy định. Nhiều mô hình tiêu biểu như “Cổng trường an toàn giao thông”, “Phòng chống đuối nước học đường” đã được triển khai và nhân rộng. Hầu hết các trường phổ thông ở địa phương khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Tuyên Quang, Hải Phòng… đều triển khai đồng bộ tuyên truyền cho học sinh về kỹ năng an toàn qua hoạt động ngoại khóa, tiết sinh hoạt lớp, mời chuyên gia về tập huấn…
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao an toàn trong trường học (Nguồn: Công an tỉnh Tuyên Quang)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai an toàn trường học vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng, một số trường học thiếu trang thiết bị phòng chống tai nạn, nhất là các điểm trường tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh chưa thực sự đầy đủ về nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích. Tình trạng bạo lực học đường, tai nạn, đuối nước… vẫn xảy ra tại một số nơi. Trước thực tế một số vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học như: giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh học sinh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, nhận và sử dụng quà từ người lạ… Bộ GDĐT đã nhiều lần đề nghị các Sở GDĐT tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, tuyên truyền để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
Thực tế cho thấy, để đẩy mạnh xây dựng trường học an toàn một cách hiệu quả và bền vững, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và hướng dẫn. Đây sẽ là hành lang pháp lý để địa phương, trường học chủ động xây dựng nội dung ứng phó với nguy cơ mất an toàn trong trường học. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư, sửa chữa trường lớp, đảm bảo an toàn. Để làm được điều này, cần huy động nguồn lực xã hội hóa, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – chính quyền – đoàn thể - doanh nghiệp để tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất.
Công tác an toàn trường học cũng cần đến một lực lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học có năng lực, có kỹ năng về sơ cấp cứu, kỹ năng xử lý bạo lực học đường… Giáo dục nâng cao an toàn trường học nên thường xuyên được đưa vào hoạt động chính khóa và ngoại khóa, tăng cường hơn nữa truyền thông qua mạng xã hội, video clip… dễ hiểu. Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh trong giáo dục kỹ năng an toàn cho học sinh tại gia đình.
Đảm bảo an toàn trường học là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phải được triển khai đồng bộ. Các chính sách và chỉ đạo của Bộ GDĐT là hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương chủ động hành động. Mỗi trường học an toàn chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một nền giáo dục chất lượng, vì sự phát triển toàn diện của học sinh.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2023): Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 về Hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/11/18-bgd.signed.pdf