Tình hình triển khai Thông tư 29
Ngay từ khi Thông tư số 29 được ban hành, các địa phương đã chủ động ban hành Công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục, phòng GDĐT triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 29, chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền về Thông tư 29 đến từng đối tượng chịu sự tác động của Thông tư. Đến nay, theo báo cáo của Bộ GDĐT, 100% các sở GDĐT đã chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng dự thảo Quy định về dạy thêm, học thêm của tỉnh, đăng lên cổng thông tin của tỉnh để xin ý kiến rộng rãi toàn dân, thẩm định dự thảo quy định và trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý hoạt động dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, công tác quản lý dạy thêm, học thêm tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác vẫn đối diện với không ít thách thức do tính chất phân tán, đa dạng hình thức tổ chức. Bên cạnh các trung tâm có giấy phép, một bộ phận không nhỏ các lớp học thêm tự phát tại nhà giáo viên hoặc thuê địa điểm không khai báo vẫn tồn tại. Việc xử lý những trường hợp sai phạm này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và chính quyền địa phương.
Bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Dạy thêm, học thêm không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đối diện với tình trạng tương tự và đã có những giải pháp phù hợp. Hầu hết các quốc gia đều áp dụng các biện pháp quản lý thay vì cấm hoàn toàn, nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh và cải thiện chất lượng giáo dục công lập. Trung Quốc thực hiện chính sách “kép” giảm tải áp lực học tập bao gồm việc giảm bài tập về nhà và kiểm soát chặt chẽ hệ thống dạy thêm tư nhân. Singapore lại đẩy mạnh hệ thống giáo dục công lập toàn diện với mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào dạy thêm. Chính phủ khuyến khích phụ huynh tập trung vào giáo dục chính khóa thay vì các lớp học thêm, và nhiều trường học ở Singapore cung cấp các chương trình bồi dưỡng sau giờ học cho học sinh yếu. Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục công bằng và không có nhu cầu học thêm phổ biến. Giáo dục tập trung vào chất lượng giờ học chính khóa, với các giáo viên được đào tạo chuyên sâu và có quyền tự chủ trong việc thiết kế bài giảng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, học thêm là một nhu cầu thực tiễn và chính đáng của học sinh. Áp lực thi cử ngày càng cao, trong khi đó hệ thống giáo dục công tại nhiều nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dạy thêm học thêm trở thành một giải pháp được nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn để bổ trợ kiến thức, nâng cao trình độ học tập. Quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả không chỉ dừng lại ở thanh, kiểm tra, xử phạt mà cần song hành với việc nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, giảm tải chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá và tăng cường hỗ trợ học sinh trong nhà trường.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội, tuy nhiên nếu không quản lý tốt, hoạt động này sẽ làm sai lệch mục tiêu giáo dục, gia tăng bất bình đẳng và gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Thông tư 29 cho thấy quyết tâm của ngành giáo dục trong việc lập lại trật tự lĩnh vực này. Song hành với thanh, kiểm tra diện rộng, điều cốt lõi cần làm là nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, hoàn thiện chính sách đồng bộ và đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho tất cả học sinh. Đây là yêu cầu cấp thiết để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn, đúng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2024): Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1564
Quản lý dạy thêm, học thêm: Kinh nghiệm quốc tế, thách thức và giải pháp cho giáo dục Việt Nam. https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88809/222/quan-ly-day-them-hoc-them-kinh-nghiem-quoc-te-thach-thuc-va-giai-phap-cho-giao-duc-viet-nam/